Mức phạt tiền đối với hành vi lắp camera quay lén người khác là bao nhiêu?
Lắp camera quay lén người khác vi phạm quyền gì?
Hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về quay lén người khác. Tuy nhiên, có thể hiểu quay lén người khác là hành vi một người sử dụng các phương tiện, thiết bị điện tử có chức năng ghi hình (thường là điện thoại, camera, máy quay,...) để quay một người khác khi chưa được sự cho phép của người bị quay.
Căn cứ tại khoản 2 Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân như sau:
Điều 38. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình
1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
[...]
Theo đó, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý. Như vậy, lắp camera quay lén người khác vi phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của người đó.
Mức phạt tiền là bao nhiêu đối với hành vi lắp camera quay lén người khác? (Hình từ Internet)
Mức phạt tiền là bao nhiêu đối với hành vi lắp camera quay lén người khác?
Căn cứ theo Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Điều 84. Vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó;
b) Cung cấp thông tin cá nhân cho bên thứ ba khi chủ thể thông tin cá nhân đã yêu cầu ngừng cung cấp.
2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân;
b) Cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân;
c) Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc hủy bỏ thông tin cá nhân do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, các điểm b và c khoản 2 Điều này.
Căn cứ tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:
Điều 4. Quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
[...]
3. Mức phạt tiền quy định từ Chương II đến Chương VII tại Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại Điều 106 Nghị định này. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
[...]
Như vậy, mức phạt tiền đối với hành vi lắp camera quay lén người khác cụ thể là:
- Đối với tổ chức:
+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng: Thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể
+ Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng: Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.
- Đối với cá nhân:
+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng: Thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể
+ Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng: Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.
Ngoài ra, hành vi lắp camera quay lén người khác còn bị buộc hủy bỏ thông tin cá nhân do thực hiện hành vi quay lén.
Người bị quay lén có được quyền yêu cầu người quay lén công khai xin lỗi, bồi thường thiệt hại không?
Căn cứ tại khoản 5 Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín như sau:
Điều 34. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín
1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.
Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.
4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.
5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Như vậy, người bị quay lén bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì có quyền yêu cầu người quay lén đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- 05 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng? Đoàn Thanh niên có trách nhiệm hướng dẫn thiếu nhi làm theo 5 điều Bác Hồ dạy hay không?
- Vào thi Vòng 7 Trạng nguyên Tiếng Việt 2024 – 2025 trên Trangnguyen.edu.vn như thế nào?
- Tháng 12 2024 có ngày lễ, sự kiện gì? Tháng 12 2024 nước ta có ngày lễ lớn nào không?
- Tổng hợp văn bản hướng dẫn Luật Hôn nhân và gia đình mới nhất?
- Biểu mẫu báo cáo của tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu riêng lẻ mới nhất?