Mẫu đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự và hướng dẫn cách ghi năm 2024?
Mẫu đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự và hướng dẫn cách ghi năm 2024?
Theo khoản 1 Điều 361 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì việc dân sự được hiểu là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.
Theo đó, mẫu đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự là giấy tờ do cá nhân, cơ quan, tổ chức gửi đến Tòa án nhân dân khi có yêu cầu công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động mà không phát sinh tranh chấp giữa các bên và được sử dụng làm căn cứ để Tòa án nhân dân có thẩm quyền tiếp nhận, thụ lý, giải quyết yêu cầu việc dân sự.
Hiện nay, mẫu đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự được sử dụng là mẫu số 01-VDS được ban hành kèm theo Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP quy định về một số biểu mẫu trong giải quyết việc dân sự.
Mẫu đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự mẫu số 01-VDS được quy định chung như sau:
Tải về mẫu đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự mẫu số 01-VDS: Tại đây.
Hướng dẫn cách ghi đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự mẫu số 01-VDS như sau:
Chỗ trống số (1): Ghi loại việc dân sự mà người yêu cầu yêu cầu Tòa án giải Quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự
(Ví dụ: Yêu cầu tuyên bố một người mất tích; yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật; yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông; yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu;...).
Chỗ trống số (2) và (5): Ghi tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự;
Nếu là Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì ghi rõ tên Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào.
(Ví dụ: Tòa án nhân dân huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội);
Nếu là Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ghi Tòa án nhân dân tỉnh (thành phố) đó.
(Ví dụ: Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam).
Chỗ trống số (3): Nếu người yêu cầu là cá nhân thì ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh và số chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác của người đó
Ví dụ: Họ và Tên: Nguyễn Văn A Sinh ngày: 02/11/1994 CMND số:1234567…
Nếu là cơ quan, tổ chức thì ghi tên cơ quan, tổ chức và họ tên của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó
Ví dụ: Công ty TNHH ...
Họ và tên người đại diện hợp pháp: Nguyễn Văn B
Nếu là người đại diện theo pháp luật thì sau họ tên ghi "- là người đại diện theo pháp luật của người có quyền yêu cầu” và ghi rõ họ tên của người có quyền yêu cầu
Ví dụ: Nguyễn Văn C - là người đại diện theo pháp luật của người có quyền yêu cầu của ông Nguyễn Văn D.
Nếu là người đại diện theo ủy quyền thì ghi "- là người đại diện theo ủy quyền của người có quyền yêu cầu theo văn bản ủy quyền được xác lập ngày ………” và ghi rõ họ tên của người có quyền yêu cầu.
Ví dụ: Nguyễn Văn C - là người đại diện theo ủy quyền của người có quyền yêu cầu theo văn bản ủy quyền được xác lập ngày 01/01/2020 của ông Nguyễn Văn D.
Trường hợp có nhiều người cùng làm đơn yêu cầu thì đánh số thứ tự 1, 2, 3,... và ghi đầy đủ các thông tin của từng người.
Chỗ trống số (4):
Nếu người yêu cầu là cá nhân thì ghi đầy đủ địa chỉ nơi cư trú, nơi làm việc (nếu có) của người đó tại thời điểm làm đơn yêu cầu
(Ví dụ: thôn Bình An, xã Phú Cường, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội);
Nếu là cơ quan, tổ chức thì ghi địa chỉ trụ sở của cơ quan, tổ chức đó tại thời điểm làm đơn yêu cầu
(Ví dụ: trụ sở tại số 20 phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội).
Chỗ trống số (6): Ghi cụ thể những nội dung mà người yêu cầu yêu cầu Tòa án giải quyết.
Chỗ trống số (7): Ghi rõ lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó.
Chỗ trống số (8): Ghi rõ họ tên, địa chỉ nơi cư trú, nơi làm việc (nếu có) của những người mà người yêu cầu nhận thấy có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó.
Chỗ trống số (9): Ghi những thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình.
Chỗ trống số (10): Ghi rõ tên các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn yêu cầu, là bản sao hay bản chính, theo thứ tự 1, 2, 3,…
(Ví dụ: 1. Bản sao Giấy khai sinh của ông Nguyễn Văn A;
2. Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của ông Trần Văn B và bà Phạm Thị C;....)
Chỗ trống số (11): Ghi địa điểm, thời gian làm đơn yêu cầu
(Ví dụ: Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2018; Hưng Yên, ngày 18 tháng 02 năm 2019).
Chỗ trống số (12): Nếu người yêu cầu là cá nhân thì phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người đó;
Nếu là cơ quan, tổ chức thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên, ghi rõ họ tên, chức vụ của mình và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó.
Trường hợp người yêu cầu là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Trường hợp có nhiều người cùng yêu cầu thì cùng ký và ghi rõ họ tên của từng người vào cuối đơn yêu cầu.
Mẫu đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự và hướng dẫn cách ghi năm 2024? (Hình từ Internet)
Trường hợp nào trả lại đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 364 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về trả lại đơn yêu cầu như sau:
Trả lại đơn yêu cầu
1. Tòa án trả lại đơn yêu cầu trong những trường hợp sau đây:
a) Người yêu cầu không có quyền yêu cầu hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;
b) Sự việc người yêu cầu yêu cầu đã được Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết;
c) Việc dân sự không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án;
d) Người yêu cầu không sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 363 của Bộ luật này;
đ) Người yêu cầu không nộp lệ phí trong thời hạn quy định tại điểm a khoản 4 Điều 363 của Bộ luật này, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp lệ phí hoặc chậm nộp vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;
e) Người yêu cầu rút đơn yêu cầu;
g) Những trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
2. Khi trả lại đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại việc trả lại đơn yêu cầu được thực hiện theo quy định tại Điều 194 của Bộ luật này.
Theo đó, Tòa án có thể trả lại đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Người yêu cầu không có quyền yêu cầu hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;
- Sự việc người yêu cầu yêu cầu đã được Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết;
- Việc dân sự không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án;
- Người yêu cầu không sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 363 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015;
- Người yêu cầu không nộp lệ phí trong thời hạn quy định tại điểm a khoản 4 Điều 363 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, ngoại trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp lệ phí hoặc chậm nộp vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;
- Người yêu cầu rút đơn yêu cầu;
- Những trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Mức thu lệ phí sơ thẩm đối với yêu cầu giải quyết về hôn nhân là bao nhiêu?
Căn cứ theo Mục B Danh mục Án phí, Lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 đã quy định như sau:
Bảng trích từ Danh mục Án phí, Lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14
Như vậy, hiện nay mức thu lệ phí sơ thẩm đối với một yêu cầu giải quyết về hôn nhân là 300.000 đồng.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cách xác thực sinh trắc học trên MoMo để tránh bị ngừng giao dịch từ 2025?
- 056 là mã căn cước tỉnh nào trên thẻ Căn cước?
- Lịch vạn niên 2025 - Lịch âm 2025: Chi tiết, đầy đủ nhất cả năm 2025? Tết Âm lịch 2025 rơi vào thứ mấy trong tuần?
- Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 chất thải rắn sinh hoạt được phân thành mấy loại?
- Mẫu biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ theo Thông tư 72 từ 01/01/2025?