Kính gửi: Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thực hiện Kết luận số 137-KL/TW ngày 28/3/2025 của
Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp
và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp; Quyết định số
571/QĐ-TTg ngày 12/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo
thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, xây dựng mô hình tổ
chức chính quyền địa phương 02 cấp và Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 07/4/2025 của
Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây
dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp; Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn
về sắp xếp, tổ chức lại cơ sở y tế tại đơn vị hành chính các cấp, thực hiện mô
hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp như sau:
I. Phương án sắp xếp, tổ chức lại
các cơ sở y tế cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
1. Đối với các tỉnh, thành phố sau sắp xếp, sáp nhập.
a) Thành lập Sở Y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương sau sắp xếp, trên cơ sở sáp nhập Sở Y tế hiện
có của các tỉnh, thành phố trước khi sắp xếp.
b) Sở Y tế mới là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh, thành phố sau sắp xếp. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở
Y tế các tỉnh, thành phố thực hiện theo quy định tại Thông tư số 37/2021/TT-BYT
ngày 31/12/2021 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Y tế
thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các nhiệm vụ về
bảo trợ xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, trẻ em của Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội trước đây theo quy định tại Thông tư số 11/2021/TT-BLĐTBXH ngày
30/9/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ Y tế sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Y tế các tỉnh, thành phố để thay thế Thông tư số
37/2021/TT-BYT ngày 31/12/2021 của Bộ Y tế và Thông tư số 11/2021/TT-BLĐTBXH
ngày 30/9/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
c) Cơ cấu tổ chức của Sở Y tế các tỉnh, thành phố:
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Y tế
được giao, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, xây dựng Đề án, trình Ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố quyết định cơ cấu tổ chức của Sở Y tế (các phòng,
chi cục thuộc Sở Y tế) phù hợp với yêu cầu quản lý đối với các lĩnh vực thuộc
phạm vi quản lý nhà nước của Sở Y tế tại địa phương và bảo đảm các tiêu chí quy
định tại Nghị định số 45/2025/NĐ-CP ngày 28/02/2025 của Chính phủ quy định tổ
chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương và Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành
phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
d) Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc
Sở Y tế tỉnh, thành phố.
Trên cơ sở rà soát, đánh giá chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn và hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế
hiện có trước khi sắp xếp, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố sau sắp xếp tham
mưu, trình Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quyết định duy trì, giải thể hoặc
tổ chức lại (sáp nhập, chia, tách hoặc điều chỉnh tên gọi, điều chỉnh chức
năng, nhiệm vụ) các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế, theo nguyên tắc:
- Bảo đảm duy trì, không gián đoạn việc cung cấp
các dịch vụ cơ bản, thiết yếu về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của
ngành y tế tại địa phương.
- Cơ bản duy trì, giữ nguyên các cơ sở khám bệnh, chữa
bệnh (đa khoa, chuyên khoa, khu vực) và các cơ sở bảo trợ xã hội, trợ giúp xã hội
hiện có, là các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế tỉnh, thành phố
sau sắp xếp để duy trì việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cấp cơ bản,
hoặc chuyên sâu và các dịch vụ trợ giúp xã hội, dịch vụ công tác xã hội đáp ứng
nhu cầu của người dân và các đối tượng bảo trợ xã hội tại địa phương.
- Đối với các đơn vị sự nghiệp khác trực thuộc Sở Y
tế (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Giám định y khoa, Trung tâm Pháp y,
Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc mỹ phẩm, thực phẩm...); Giám đốc Sở Y tế các tỉnh,
thành phố, xây dựng Đề án, trình Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố thực hiện
việc sáp nhập các đơn vị sự nghiệp có cùng tên, cùng chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn để thành lập đơn vị sự nghiệp công lập mới trực thuộc Sở Y tế của các tỉnh,
thành phố sau sắp xếp. Tùy theo quy mô dân số, đặc điểm địa lý, phạm vi hoạt động,
mỗi đơn vị sự nghiệp mới này có thể có nhiều cơ sở hoạt động, nhưng phải xác định
rõ nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động, cơ chế phối hợp hoạt động của các cơ
sở này, bảo đảm không có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động
giữa các cơ sở của đơn vị sự nghiệp đó.
- Sắp xếp, tổ chức lại các Trung tâm Y tế cấp huyện,
quận, thị xã, thành phố hiện có thành Trung tâm Y tế khu vực, là đơn vị sự nghiệp
công lập trực thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố sau sắp xếp.
Trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự
nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố phải rà
soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập hiện có (đặc
biệt là các bệnh viện chuyên khoa, các trung tâm giám định y khoa, trung tâm
pháp y, cơ sở bảo trợ xã hội, các trung tâm y tế cấp quận, huyện...) và thực hiện
việc sáp nhập, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả,
không còn chức năng, nhiệm vụ hoặc chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các
đơn vị sự nghiệp khác.
2. Đối với các tỉnh, thành phố không thực hiện việc
sáp nhập, sắp xếp.
- Cơ bản duy trì, giữ nguyên các cơ sở y tế cấp tỉnh,
thành phố hiện có.
- Tổ chức lại các Trung tâm Y tế cấp huyện, quận,
thị xã, thành phố hiện có thành Trung tâm Y tế khu vực, là đơn vị sự nghiệp
công lập trực thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố.
- Trên cơ sở rà soát, đánh giá chức năng, nhiệm vụ,
hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập hiện có (đặc biệt là các bệnh
viện chuyên khoa, các trung tâm giám định y khoa, trung tâm pháp y, cơ sở bảo
trợ xã hội, các trung tâm y tế cấp quận, huyện...), Giám đốc Sở Y tế các tỉnh,
thành phố xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại, sáp nhập, giải thể các đơn vị sự
nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả, không còn chức năng, nhiệm vụ hoặc chồng
chéo với chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp khác.
II. Phương án sắp xếp, tổ chức lại
các cơ sở y tế cấp huyện, quận, thị xã.
1. Đối với Phòng Y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện,
quận, thị xã.
Giải thể, kết thúc hoạt động các Phòng Y tế thuộc Ủy
ban nhân dân cấp huyện, quận, thị xã hiện có, chuyển chức năng, nhiệm vụ tham
mưu quản lý nhà nước của Phòng Y tế trước đây về Phòng Văn hóa - Xã hội và
Trung tâm hành chính công thuộc Ủy ban nhân dân cấp cơ sở (cấp xã, phường) sau
sắp xếp để tiếp tục triển khai thực hiện.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp cơ sở
(cấp xã, phường) trong quản lý nhà nước về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý
nhà nước của ngành y tế trên địa bàn xã, phường thực hiện theo Phụ lục gửi kèm
theo Công văn này.
Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố có trách nhiệm
hỗ trợ nhân lực, chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ để giúp Ủy ban nhân
dân cấp cơ sở (cấp xã, phường) trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý
nhà nước về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành y tế trên địa
bàn xã, phường.
2. Đối với các Bệnh viện đa khoa huyện, quận, thị
xã, thành phố hiện có:
Cơ bản duy trì các bệnh viện đa khoa huyện, quận,
thị xã, thành phố hiện có và chuyển thành bệnh viện đa khoa khu vực, là đơn vị
sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế tỉnh, thành phố sau sắp xếp, để tổ chức
cung cấp dịch vụ khám, bệnh chữa bệnh cho nhân dân trong khu vực liên xã, phường
không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
3. Đối với các Trung tâm Y tế cấp huyện, quận, thị
xã, thành phố
- Cơ bản duy trì các Trung tâm Y tế cấp huyện, quận,
thị xã, thành phố hiện có và chuyển các Trung tâm Y tế này thành Trung tâm Y tế
khu vực, là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế tỉnh, thành phố sau sắp
xếp, để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Thông tư số
32/2024/TT-BYT ngày 15/11/2024 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh,
thành phố, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và tiếp tục hỗ trợ về
nhân lực, chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm thuốc, vật tư, thiết bị y tế
cho các trạm y tế xã của các xã, phường sau sắp xếp.
- Trên cơ sở rà soát, đánh giá về phạm vi hoạt động
và hiệu quả hoạt động các Trung tâm Y tế huyện, quận thị xã, thành phố hiện có,
Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố tham mưu, xây dựng Đề án, trình Ủy ban nhân
dân các tỉnh, thành phố quyết định duy trì tất cả hoặc giải thể, tổ chức lại,
sáp nhập một số Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.
III. Phương án sắp xếp, tổ chức
lại các phòng khám đa khoa khu vực và các trạm y tế xã, phường, thị trấn.
1. Duy trì, giữ nguyên các Phòng khám đa khoa khu vực,
các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn hiện có và chuyển giao cho Ủy ban nhân dân cấp
cơ sở (xã, phường mới) quản lý. Bảo đảm mỗi xã, phường mới sau sắp xếp có ít nhất
01 Trạm Y tế; Tùy theo quy mô dân số và đặc điểm địa lý của mỗi xã, phường mới
để duy trì hoặc tổ chức lại, thành lập thêm các Trạm Y tế do Ủy ban nhân dân cấp
cơ sở (cấp xã, phường) quản lý để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của
người dân tại địa bàn xã, phường đó.
2. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trạm Y tế xã,
phường tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 33/2015/TT-BYT ngày
27/10/2025 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của Trạm y tế xã, phường,
thị trấn.
3. Nhân lực của các Trạm Y tế xã, phường mới được bố
trí trên cơ sở tiếp nhận viên chức tại Trạm Y tế xã, phường trước đây và được
điều động, bổ sung từ các cơ sở y tế cấp tỉnh, từ Trung tâm Y tế huyện, quận,
thị xã, thành phố trước đây để bảo đảm mỗi Trạm Y tế xã, phường mới có ít nhất
từ 02 bác sĩ trở lên.
Bộ Y tế sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu nhân lực của Trạm Y tế xã, phường thay thế Thông tư
số 33/2015/TT-BYT ngày 27/10/2025 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của
Trạm y tế xã, phường, thị trấn.
4. Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố có trách
nhiệm chỉ đạo các tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc Sở Y tế hỗ trợ các Trạm Y
tế cấp cơ sở (cấp xã, phường) về nhân lực, chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm
đủ thuốc, thiết bị, vật tư y tế và duy trì hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm
y tế tại Trạm Y tế để bảo đảm hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các
Trạm Y tế cấp cơ sở (cấp xã, phường), không gián đoạn việc cung cấp các dịch vụ
bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn xã, phường mới.
Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
căn cứ hướng dẫn này và điều kiện thực tiễn của địa phương để thực hiện, bảo đảm
hiệu lực hiệu quả hoạt động của các các cơ sở y tế sau sắp xếp, tổ chức lại.
Trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở y tế
trên địa bàn, nếu có khó khăn, vướng mắc, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trao đổi, phối hợp với Bộ Y tế để tiếp tục hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định./.
Nơi nhận:
- Như kính gửi;
- Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nội vụ (để phối hợp);
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để thực hiện);
- Lưu VT, TCCB
|
BỘ TRƯỞNG
Đào Hồng Lan
|
Phụ lục: Hướng dẫn chức
năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về y tế tại cấp cơ sở (cấp xã, phường).
Ủy ban nhân dân cấp cơ sở (cấp xã, phường) thực hiện
chức năng quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn xã, phường bao gồm: Y tế dự
phòng; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; y, dược cổ truyền; sức khỏe
sinh sản; thiết bị y tế; dược; mỹ phẩm; an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế; dân số;
bảo trợ xã hội; bảo vệ và chăm sóc trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội theo quy
định.
Các nhiệm vụ cụ thể:
a) Quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển y tế
trung hạn và hằng năm; chương trình, biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ
quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành y tế trên
địa bàn xã, phường;
b) Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật,
chính sách, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án về các lĩnh vực thuộc phạm
vi quản lý nhà nước của ngành y tế sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, theo dõi thi hành pháp
luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành y tế.
c) Tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về việc thẩm
định, đăng ký, cấp các loại giấy phép, giấy chứng nhận trong các lĩnh vực thuộc
phạm vi quản lý nhà nước của ngành y tế theo quy định của pháp luật và theo
phân cấp của cấp tỉnh.
d) Tổ chức thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ và
đổi mới sáng tạo; thực hiện cải cách hành chính, xây dựng hệ thống thông tin,
lưu trữ phục vụ công tác quản lý nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ về các lĩnh vực
thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành y tế trên địa bàn.
d) Kiểm tra chuyên ngành đối với tổ chức, cá nhân
trên địa bàn trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, các quy định
chuyên môn, quy chuẩn kỹ thuật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước
của ngành y tế; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng, thực hành
tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của
ngành y tế theo quy định của pháp luật và phân cấp của cấp tỉnh.
đ) Hướng dẫn và kiểm tra đối với các hội và tổ chức
phi chính phủ tham gia hoạt động trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước
của ngành y tế trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
e) Thực hiện công tác thống kê, xây dựng cơ sở dữ
liệu về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành y tế trên địa
bàn, thực hiện báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được
giao theo quy định.
h) Thực hiện một số nhiệm vụ khác theo quy định của
pháp luật.