DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai không có sổ đỏ

Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Theo đó, một số vướng mắc về tranh chấp đất đai khi không có số đỏ cũng là câu hỏi của nhiều bạn đọc. Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này.

Hình thức giải quyết tranh chấp đất đai khi không có sổ đỏ

Căn cứ tại khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai 2013, có 02 hình thức giải quyết tranh chấp đất đai khi không có Sổ đỏ như sau:

- Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền.

- Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Căn cứ giải quyết tranh chấp khi không có sổ đỏ

Theo quy định tại khoản 1 Điều 91 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai, tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên tranh chấp không có Sổ đỏ hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 và Điều 18 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì việc giải quyết tranh chấp được thực hiện dựa theo các căn cứ sau:

1. Chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất do các bên tranh chấp đất đai đưa ra.

- Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì các bên tranh chấp có nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án. Chứng cứ là những gì có thật và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án tranh chấp đất đai.

- Căn cứ vào chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất như ý kiến làm chứng của những hộ gia đình hoặc cá nhân biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng thì Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh sẽ ban hành quyết định giải quyết hoặc Tòa án sẽ ra bản án để xác định người có quyền sử dụng đất.

tranh-chap-dat0dai-khong-co-so-do

2. Thực tế diện tích đất mà các bên tranh chấp đang sử dụng ngoài diện tích đất đang có tranh chấp và bình quân diện tích đất cho một nhân khẩu tại địa phương;

3. Sự phù hợp của hiện trạng sử dụng thửa đất đang có tranh chấp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

4. Chính sách ưu đãi người có công của Nhà nước;

5. Quy định của pháp luật về giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất.

Việc giải quyết tranh chấp đất đai khi không có Sổ đỏ hoặc không có giấy tờ về quyền sử dụng đất thì chủ yếu phụ thuộc vào chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng do các bên tranh chấp đưa ra.

- Do không có Sổ đỏ hoặc không có giấy tờ về quyền sử dụng đất nên bên nào muốn thắng kiện thì bên đó phải cung cấp được chứng cứ nguồn gốc và quá trình sử dụng đất của mình.

Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai không có sổ đỏ

Hòa giải tranh chấp đất đai

Theo Điều 202 Luật Đất đai 2013, Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải cơ sở.

Tranh chấp đất đai mà các bên không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để giải quyết.

Thủ tục nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai

(1) Hồ sơ yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai

Các bên có yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai chuẩn bị hồ sơ như sau:

- Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai;

- Biên bản hòa giải tại UBND cấp xã;

- Trích lục bản đồ, hồ sơ địa chính qua các thời kỳ liên quan đến diện tích đất tranh chấp và các tài liệu làm chứng cứ, chứng minh trong quá trình giải quyết tranh chấp;

- Báo cáo đề xuất và dự thảo quyết định giải quyết tranh chấp hoặc dự thảo quyết định công nhận hòa giải thành.

(2) Trình tự thực hiện yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai

Theo Điều 89 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 148/2020/NĐ-CP), trình tự thực hiện yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai được quy định như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ

- Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại UBND cấp huyện

- Tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nộp hồ sơ tại UBND cấp tỉnh

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì không quá 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

Bước 3: Giải quyết yêu cầu về tranh chấp đất đai

- Chủ tịch UBND cấp huyện/tỉnh giao trách nhiệm cơ quan tham mưu giải quyết

- Cơ quan tham mưu có nhiệm vụ:

+ Thẩm tra, xác minh vụ việc, tổ chức hòa giải giữa các bên tranh chấp, tổ chức cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai (nếu cần thiết)

+ Hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh/huyện ban hành quyết định giải quyết tranh chấp.

Bước 4: Kết quả giải quyết tranh chấp đất đai

- Chủ tịch UBND cấp huyện/tỉnh ban hành quyết định giải quyết tranh chấp hoặc quyết định công nhận hòa giải thành, gửi cho các bên tranh chấp.

Trường hợp các bên tranh chấp không đồng ý với quyết định giải quyết của UBND cấp có thẩm quyền thì có quyền khiếu nại lên UBND cấp trên trực tiếp, Bộ trưởng Bộ TN&MT hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định về tố tụng hành chính.

  •  668
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

3 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…