DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Tháo dỡ nhà ở có phải xin phép? Phương án phá dỡ nhà ở quy định thế nào?

Avatar

 
Không ít trường tháo phá dỡ nhà ở nhằm giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình mới gây ảnh hưởng đến khu vực xung quanh và bị xử phạt. Vậy trường hợp nào tháo dỡ nhà ở phải xin phép?
 
 
1. Trường hợp nào phải tháo dỡ ở?
 
Việc phá dỡ công trình xây dựng được thực hiện trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 118 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi bởi Luật Xây dựng 2020) bao gồm:
 
- Để giải phóng mặt bằng xây dựng công trình mới hoặc công trình xây dựng tạm.
 
- Công trình có nguy cơ sụp đổ ảnh hưởng đến cộng đồng và công trình lân cận; công trình phải phá dỡ khẩn cấp nhằm kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, các nhiệm vụ cấp bách để bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
 
- Công trình xây dựng trong khu vực cấm xây dựng.
 
- Công trình xây dựng sai quy hoạch xây dựng, công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung quy định trong giấy phép xây dựng.
 
- Công trình xây dựng lấn chiếm đất công, đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân; công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.
 
- Nhà ở riêng lẻ có nhu cầu phá dỡ để xây dựng mới.
 
Do đó, nhà ở riêng lẻ mà có nhu cầu xây dựng mới được thực hiện tháo dỡ nhà ở cũ và phải đáp ứng điều kiện tháo dỡ một cách an toàn theo quy định pháp luật về xây dựng nhà ở. 
 
2. Trình tự thực hiện tháo dỡ nhà ở
 
Theo khoản 2 Điều 118 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi bởi Luật Xây dựng 2020) việc phá dỡ công trình xây dựng phải bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường và thực hiện theo trình tự như sau:
 
Bước 1: Lập phương án, giải pháp phá dỡ công trình xây dựng. Trường hợp công trình thuộc diện phải có quyết định phá dỡ, cưỡng chế phá dỡ thì phải có quyết định phá dỡ hoặc quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng;
 
Bước 2: Thẩm tra, phê duyệt thiết kế phương án, giải pháp phá dỡ công trình xây dựng đối với công trình xây dựng ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng;
 
Bước 3: Tổ chức thi công phá dỡ công trình xây dựng;
 
Bước 4: Tổ chức giám sát, nghiệm thu công tác phá dỡ công trình xây dựng.
 
3. Trách nhiệm của người thực hiện tháo dỡ nhà ở
 
Trách nhiệm của các bên trong việc phá dỡ công trình xây dựng được quy định như sau:
 
- Chủ đầu tư, chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng công trình hoặc người được giao nhiệm vụ chủ trì phá dỡ công trình có trách nhiệm tổ chức thực hiện theo trình tự 04 bước đã nêu ở trên.
 
Tự thực hiện nếu có đủ điều kiện năng lực hoặc thuê tổ chức tư vấn có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện lập, thẩm tra thiết kế phương án, giải pháp phá dỡ công trình xây dựng và thực hiện thi công phá dỡ công trình xây dựng; chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra;
 
- Nhà thầu được giao thực hiện việc phá dỡ công trình có trách nhiệm lập biện pháp thi công phá dỡ công trình phù hợp với phương án, giải pháp phá dỡ được phê duyệt; thực hiện thi công phá dỡ công trình theo đúng biện pháp thi công và quyết định phá dỡ hoặc quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng (nếu có); thực hiện theo dõi, quan trắc công trình; bảo đảm an toàn cho con người, tài sản, công trình và các công trình lân cận; chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra;
 
- Người có thẩm quyền quyết định phá dỡ công trình chịu trách nhiệm trước pháp luật về hậu quả do không ban hành quyết định, ban hành quyết định không kịp thời hoặc ban hành quyết định trái với quy định của pháp luật;
 
- Tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc đang sử dụng công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ phải chấp hành quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp không chấp hành thì bị cưỡng chế và chịu mọi chi phí cho việc phá dỡ.
 
4. Phương án phá dỡ nhà ở được quy định thế nào?
 
Tại khoản 3 Điều 42 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định phương án, giải pháp phá dỡ công trình xây dựng bao gồm các nội dung chính sau:
 
- Căn cứ lập phương án, giải pháp phá dỡ công trình xây dựng;
 
- Thông tin chung về công trình, hạng mục công trình phải phá dỡ;
 
- Danh mục các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng;
 
- Thiết kế phương án phá dỡ;
 
- Tiến độ, kinh phí thực hiện phá dỡ;
 
- Các nội dung khác để thực hiện phá dỡ (nếu có).
 
Như vậy, nhà ở cũ có nhu cầu xây dựng mới thì chủ sở hữu, bên thi công thực hiện tháo dỡ phải có thông báo với cơ quan có thẩm quyền tại địa phương và đáp ứng điều kiện về tháo dỡ.
  •  2847
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

1 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…