DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Người lao động cần biết những điều này để bảo vệ quyền lợi của mình kể từ 1/1/2021

Người lao động cần biết từ 2021

Những điều người lao động cần biết kể từ 1/1/2021 - Ảnh minh họa

Bộ luật lao động 2019 sẽ có hiệu lực từ 1/1/2021, bài viết nêu ra một số lưu ý quan trọng cho người lao động để có thể đảm bảo quyền lợi của mình khi áp dụng bộ luật mới tại nơi lao động.

Bài viết sử dụng căn cứ là các điều luật trong Bộ luật Lao động 2019 (BLLĐ 2019)

1. Một số lưu ý về thử việc và giao kết hợp đồng

a) Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:

- Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp

- Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

- Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

- Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.

Lương thử việc bằng 85% lương chính thức của công việc đó. (Điều 25) 

So với quy định trước đây của Bộ luật lao động 2012, đã có thêm quy định về thời gian thử việc đối với người làm công việc quản lý doanh nghiệp.

b) Hợp đồng lao động còn có cả hình thức giao kết trên dữ liệu điện tử

Nội dung này được quy định tại Điều 14, trước đây hình thức giao kết này chưa được quy định.

c) Sẽ có những trường hợp người lao động được chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước:

Đây là trường hợp mới được quy định so với các quy định về Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động theo điều 37 BLLĐ 2012, cụ thể, theo khoản 2 Điều 35, 7 trường hợp người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước gồm:

- Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh theo quy định pháp luật.

- Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn.

- Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động.

- Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

- Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.

- Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật Lao động 2019, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

- Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực  về công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người lao động yêu cầu, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

2. Một số lưu ý về lương, thưởng

a) Có thể ủy quyền cho người khác nhận lương (Khoản Điều 94)

b) Được ứng tiền lương khi nghỉ hằng năm (Khoản 5 Điều 113)

c) Mức thưởng có thể quy ra tài sản hoặc hình thức khác. (Khoản 1 điều 104)

Đây là những quy định chưa có tại BLLĐ 2012.

3. Thời giờ làm việc

a) Thời giờ làm việc chính thức không quá 8 tiếng 1 ngày và 48 tiếng 1 tuần. (Điều 105)

b) Nghỉ trong giờ làm việc 30 phút nếu làm ban ngày và 45 nếu làm ban đêm, nghỉ giữa các ca là 12 giờ. (Điều 109, 110)

c) Nghỉ Quốc khánh là 02 ngày (quy định trước đây là 01 ngày). Nghỉ hằng năm mỗi tháng tương ứng 1 ngày.

4. Thay đổi trong tuổi nghỉ hưu

Trước đây tuổi nghỉ hưu của Nam là 60 và của nữ là 55, khi Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực, độ tuổi này thay đổi như sau:

Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ. (Khoản 2 Điều 169)

5. Quấy rối tình dục sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật sa thải

Tại Khoản 2 Điều 125 Bộ luật lao động 2019, hành vi quấy rối tình dục là một trong những hành vi sẽ bị xem xét kỷ luật sa thải, trước đây hành vi này chỉ là căn cứ để người lao động chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.

6. Giải quyết tranh chấp:

Hội đồng trọng tài lao động cũng có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động (trước đây chỉ có Hòa giải viên và Tòa án nhân dân có thẩm quyền) (Điều 187)

Ngoài những điểm nêu trên, mong bạn đọc bổ sung những điều hữu ích mà người lao động cần biết!

  •  1602
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…