DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Án dân sự: Thiếu thống nhất khi xét xử

Theo Tòa Dân sự TAND Tối cao, hiện nay thực tiễn xét xử án dân sự cũng đang nảy sinh rất nhiều vướng mắc cần có hướng dẫn để áp dụng thống nhất. Ngoài ra, có những vấn đề mỗi tòa giải quyết một kiểu, cần phải đưa ra rút kinh nghiệm…

Theo báo cáo của Tòa Dân sự, thời gian qua một số tòa địa phương đã thụ lý yêu cầu đòi trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Trong khi đó, TAND Tối cao đã hướng dẫn là tranh chấp dạng này không thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành tòa án.

Không thuộc thẩm quyền, vẫn xử

Chẳng hạn, tháng 3-2006, bà G. khởi kiện yêu cầu anh C. phải trả lại giấy tờ bản chính của hai căn nhà, gồm giấy phép hợp thức hóa quyền sở hữu nhà, giấy phép công nhận quyền sở hữu nhà và tờ khai chuyển dịch tài sản nộp thuế trước bạ. Anh C. thừa nhận đang giữ các giấy tờ nêu trên nhưng không đồng ý trả lại cho bà G. Tòa sơ thẩm thụ lý yêu cầu khởi kiện của bà G., đưa vụ việc ra xét xử, tuyên buộc anh C. phải giao trả giấy tờ cho bà G. Sau đó, tòa phúc thẩm cũng giữ nguyên án sơ thẩm.

Theo Tòa Dân sự, BLTTDS không quy định thẩm quyền của tòa án giải quyết yêu cầu đòi lại giấy tờ do cơ quan hành chính nhà nước cấp cho các đương sự như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà… Bên cạnh đó, pháp luật cũng không xác định các loại giấy tờ nói trên là giấy tờ có giá. Vì vậy, việc hai cấp tòa sơ, phúc thẩm chấp nhận thụ lý, giải quyết yêu cầu của bà G. là không đúng thẩm quyền. Trường hợp này, đúng ra các tòa phải từ chối thụ lý, trả lại đơn kiện và hướng dẫn đương sự liên hệ yêu cầu cơ quan hành chính giải quyết.

Xử thiếu chứng cứ

Việc thu thập chứng cứ có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở để tòa giải quyết vụ án dân sự chính xác, khách quan. Trên thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp chưa thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ, tòa vẫn ra phán quyết, dẫn đến hệ quả là sai pháp luật.

Một ví dụ điển hình: Vợ chồng cụ P. có tám người con. Lúc còn sống, hai cụ có sử dụng gần 5.500 m2 đất. Năm 1975, cụ ông mất, năm 2003 cụ bà cũng mất. Sau đó, bảy người con phát hiện ông T., người còn lại đã được cấp giấy đỏ mảnh đất của cha mẹ từ năm 2000 nên khởi kiện. Hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đã xác định 5.500 m2 đất trên thuộc quyền sử dụng của bà cụ khi chưa làm rõ lúc ông T. kê khai xin cấp giấy đỏ thì bà cụ cùng bảy người con còn lại có biết hay không, ý kiến của họ như thế nào, trình tự thủ tục cấp giấy đỏ cho ông T. có đúng pháp luật hay không…

Một vấn đề khác mà Tòa Dân sự lưu ý là có nhiều trường hợp vi phạm tố tụng nghiêm trọng khi tòa tự ý quyết định thêm thắt nội dung mới trong thông báo sửa chữa, bổ sung bản án dù theo Điều 240 BLTTDS thì tòa chỉ được đính chính lỗi chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai. Chẳng hạn trong vụ yêu cầu chia tài sản chung của bà K., sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, thẩm phán chủ tọa phiên tòa (TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã thông báo sửa chữa, bổ sung bản án. Ngoài việc sửa chữa số liệu bị sai lệch, thẩm phán còn bổ sung cả nội dung hoàn toàn mới.

Tòa dưới không phục tòa trên

Ông Huỳnh Văn Lưu, Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai, cho biết trong năm 2011 TAND tỉnh Đồng Nai có tám vụ bị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM hủy. Trong số đó, có năm vụ TAND tỉnh Đồng Nai không đồng ý với quan điểm của tòa phúc thẩm.

Chẳng hạn, vừa qua TAND tỉnh Đồng Nai thụ lý vụ tranh chấp giữa một công ty Việt Nam và một công ty nước ngoài. Quá trình giải quyết, tòa này xét thấy cần thiết phải ủy thác tư pháp đến tòa án có thẩm quyền tại Mỹ và Đài Loan nên sau đó ra quyết định tạm đình chỉ vụ án với lý do chờ kết quả ủy thác tư pháp. Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã hủy quyết định tạm đình chỉ vụ án của TAND tỉnh Đồng Nai vì nhận định trong Điều 189 BLTTDS không có khoản nào quy định tạm đình chỉ vụ án với lý do chờ kết quả ủy thác tư pháp.

Theo Chánh án Huỳnh Văn Lưu, việc chờ kết quả ủy thác tư pháp cũng chính là trường hợp “đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án” (khoản 4 Điều 189 BLTTDS). Như vậy, việc tòa phúc thẩm hủy quyết định nói trên của TAND tỉnh Đồng Nai là chưa thuyết phục.

Làm tốt công tác giám đốc thẩm

Những mặt hạn chế, thiếu sót của ngành tòa án xuất phát từ hai nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan. Chẳng hạn số lượng vụ án và đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà ngành tòa án thụ lý là rất lớn. Trong khi đó, số lượng cán bộ thẩm phán của một số tòa chưa đủ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ… Bên cạnh đó, lãnh đạo của một số tòa án địa phương chưa phát huy đầy đủ tinh thần trách nhiệm. Năng lực quản lý và điều hành trong công tác còn hạn chế nên phần nào ảnh hưởng tới hiệu quả công tác của đơn vị. Phương pháp, lề lối làm việc và thủ tục hành chính - tư pháp tại các tòa án chậm được đổi mới…

Để khắc phục những thiếu sót, ngành tòa án cần chú trọng làm tốt công tác giám đốc kiểm tra việc xét xử. Cần tập trung kiểm tra theo chuyên đề về những sai sót trong công tác xét xử của các tòa án.

Chánh án TAND Tối cao TRƯƠNG HÒA BÌNH

Kiện nhưng thiếu chứng cứ, xử sao?

Thời gian qua, có những trường hợp đương sự khởi kiện ra tòa yêu cầu chia tài sản chung (khi đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế) nhưng lại không cung cấp được chứng cứ chứng minh. Gặp tình huống này, có tòa thụ lý, có tòa không. Thụ lý rồi lại giải quyết không đồng bộ vì có tòa bác yêu cầu của đương sự nhưng cũng có tòa đình chỉ giải quyết vụ án với lý do chưa đủ điều kiện khởi kiện.

Để pháp luật được áp dụng thống nhất thì cần có văn bản hướng dẫn rõ ràng. Theo quan điểm của Tòa Dân sự TAND Tối cao, khi đương sự khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung mà chưa cung cấp đủ tài liệu chứng cứ, tòa ấn định cho đương sự một thời gian nhất định (không quá 30 ngày) để bổ sung. Nếu hết thời hạn đó mà đương sự không bổ sung được thì tòa trả lại đơn kiện.

Đại diện Tòa Dân sự TAND Tối cao

Thẩm phán, cán bộ tòa phải tích cực

Án dân sự luôn chiếm tỉ lệ cao nhất và phức tạp nhất trong tất cả các loại án. Để đảm bảo vụ án được giải quyết một cách khách quan và chính xác đòi hỏi thẩm phán, cán bộ tòa phải tích cực chủ động trong việc xây dựng hồ sơ vụ án, tăng cường hỏi tại phiên tòa nhằm tạo điều kiện cho người tham gia phiên tòa trình bày, chứng minh và tranh luận.

Thẩm phán TRẦN VĂN HÀChánh án TAND tỉnh Vĩnh Phúc

Xem các tin tức khác ở đây
  •  8114
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…