1. Mục tiêu, nguyên tắc và đối tượng kiểm định chất lượng giáo dục đại học
Theo Điều 49 Luật Giáo dục đại học 2012, mục tiêu của kiểm định chất lượng giáo dục đại học như sau:
- Bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục đại học;
- Xác nhận mức độ cơ sở giáo dục đại học hoặc chương trình đào tạo đáp ứng mục tiêu giáo dục đại học trong từng giai đoạn nhất định;
- Làm căn cứ để cơ sở giáo dục đại học giải trình với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội về thực trạng chất lượng đào tạo;
- Làm cơ sở cho người học lựa chọn cơ sở giáo dục đại học, chương trình đào tạo và nhà tuyển dụng lao động tuyển chọn nhân lực.
Theo Điều 49 Luật Giáo dục đại học, nguyên tắc kiểm định chất lượng giáo dục đại học:
- Độc lập, khách quan, đúng pháp luật;
- Trung thực, công khai, minh bạch;
- Bình đẳng, bắt buộc, định kỳ.
Theo Điều 49 Luật Giáo dục đại học, đối tượng kiểm định chất lượng giáo dục đại học:
- Cơ sở giáo dục đại học;
- Chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.
Tổng hợp văn bản về Kiểm định chất lượng giáo dục đại học (Hình từ internet)
2. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục đại học
Theo Điều 50 Luật Giáo dục đại học, trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục đại học:
- Thành lập tổ chức chuyên trách về bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.
- Xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.
- Tự đánh giá, cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo; định kỳ đăng ký kiểm định chương trình đào tạo và kiểm định cơ sở giáo dục đại học.
- Duy trì và phát triển các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, gồm:
+ Đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên;
+ Chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập;
+ Phòng học, phòng làm việc, thư viện, hệ thống công nghệ thông tin, phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành, ký túc xá và các cơ sở dịch vụ khác;
+ Nguồn lực tài chính.
- Công bố công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học, kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng trên trang thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của cơ sở giáo dục đại học và phương tiện thông tin đại chúng.
3. Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học về kiểm định chất lượng giáo dục đại học
Theo Điều 51 Luật Giáo dục đại học, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học về kiểm định chất lượng giáo dục đại học:
- Chịu sự kiểm định chất lượng giáo dục khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.
- Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
- Được lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong số các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận để kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo.
- Được khiếu nại, tố cáo với cơ quan có thẩm quyền về các quyết định, kết luận, hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
4. Tổng hợp văn bản quan trọng về Kiểm định chất lượng giáo dục đại học
1
Luật giáo dục đại học 2012
Luật giáo dục đại học 2012 số 08/2012/QH13 có hiệu lực từ 01/01/2013, quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học, hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, giảng viên, người học, tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học và quản lý nhà nước về giáo dục đại học. Chương VII Luật này quy định về kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
2
Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018
Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 số 34/2018/QH14 có hiệu lực từ 01/07/2019. Tại Khoản 26, Khoản 28 Điều 1 Luật này quy định các nội dung liên quan đến kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
3
Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học sửa đổi
Nghị định 99/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/02/2020, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các khoản 3, 4, 10, 12, 13, 15, 17, 23, 24, 28 và 34 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Tại Điều 12 Nghị định này quy định chi tiết về Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
4
Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục
Nghị định 86/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/08/2018, quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, bao gồm: liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài; cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam. Tại Điều 4 Nghị định này quy định thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục thực hiện liên kết giáo dục, liên kết đào tạo và cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
5
Nghị định 125/2024/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục
Nghị định 125/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 20/11/2024, quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Tại CHương VII Nghị định này quy định Kiểm định chất lượng giáo dục.
6
Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục
Nghị định 04/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ 10/03/2021, quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Tại Điều 34 Nghị định này quy định Vi phạm quy định về kiểm định chất lượng giáo dục.
7
Thông tư 13/2023/TT-BGDĐT quy định giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Thông tư 13/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực 11/08/2023 quy định việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm, bao gồm: mục đích, nguyên tắc của việc giám sát, đánh giá; nội dung, hoạt động, sử dụng kết quả giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tiêu chuẩn, chu kỳ, quy trình đánh giá; tự đánh giá của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; đánh giá, sử dụng kết quả đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
8
Thông tư 14/2022/TT-BGDĐT quy định về kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Thông tư 14/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 25/11/2022, quy định về kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm, bao gồm: tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của kiểm định viên; bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên; sát hạch, cấp và thu hồi thẻ kiểm định viên.