Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Tất tần tật các văn bản hướng dẫn Luật Thú y còn hiệu lực

Luật thú y quy định về phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý thuốc thú y; hành nghề thú y

1. Nội dung chính trong luật thú y

Các nội dung chính trong luật thú y bao gồm:

Thứ nhất, Phòng, chống dịch bệnh động vật

Theo Điều 14 Luật Thú y 2015 quy định các nội dung phòng, chống dịch bệnh động vật, như sau:

- Thực hiện các biện pháp phòng bệnh, chẩn đoán, chữa bệnh; quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi; giám sát, dự báo, cảnh báo dịch bệnh; điều tra dịch bệnh; phân tích nguy cơ; khống chế dịch bệnh động vật.

- Thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

- Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật; thực hiện chương trình, kế hoạch khống chế, thanh toán một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người.

- Thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời về dịch bệnh động vật, chính sách hỗ trợ trong phòng, chống dịch bệnh động vật.

- Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.

Thứ hai, Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật

- Động vật, sản phẩm động vật có trong Danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn (thủy sản) thuộc diện phải kiểm dịch trước khi vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh phải được kiểm dịch một lần tại nơi xuất phát

- Động vật, sản phẩm động vật có trong Danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn (thủy sản) thuộc diện phải kiểm dịch trước khi xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu, của chủ hàng và trước khi nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, kho ngoại quan, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam phải được kiểm dịch

Thứ ba, Kiểm soát giết mổ động vật trên cạn; sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y

Thứ tư, Quản lý thuốc thú y

- Thuốc thú y phải được quản lý chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật.

- Thuốc thú y phải bảo đảm chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật được cấp Giấy chứng nhận lưu hành thuốc thú y tại Việt Nam.

- Tổ chức, cá nhân nhập khẩu thuốc thú y theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật Thú y 2015 phải có giấy phép nhập khẩu và sử dụng đúng mục đích ghi trong giấy phép nhập khẩu.

Thứ 5, Hành nghề thú y

Tất tần tật các văn bản hướng dẫn về Luật Thú y (Hình từ Internet)

2. Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động Thú y

Theo Điều 13 Luật Thú y 2015 quy định những hành vi bị nghiêm cấm đối với động vật, như sau:

- Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, chết do bệnh truyền nhiễm làm lây lan dịch bệnh động vật.

- Khai báo, lập danh sách, xác nhận không đúng số lượng, khối lượng động vật mắc bệnh, chết, sản phẩm động vật nhiễm bệnh phải tiêu hủy; khai báo, xác nhận không đúng số lượng, khối lượng vật tư, hóa chất để phòng, chống dịch bệnh động vật với mục đích trục lợi.

- Không thực hiện việc thông báo, công bố dịch bệnh động vật trong trường hợp phải thông báo, công bố theo quy định của Luật Thú y.

- Thông tin không chính xác về tình hình dịch bệnh động vật.

- Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của Luật Thú y.

- Không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

- Vứt động vật mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng, xả nước thải, chất thải mang mầm bệnh ra môi trường.

- Vận chuyển động vật mắc bệnh, sản phẩm hoặc chất thải của động vật mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, động vật mẫn cảm với bệnh dịch động vật đã công bố và sản phẩm của chúng ra khỏi vùng có dịch khi không được phép của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền.

- Tiêu hủy không đúng quy định hoặc không tiêu hủy động vật mắc bệnh, chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc diện phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

- Mua bán, tự ý tẩy xóa, sửa chữa các loại giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ trong lĩnh vực thú y.

Đánh tráo hoặc làm thay đổi số lượng động vật, sản phẩm động vật đã được kiểm dịch.

- Trốn tránh việc kiểm dịch; vận chuyển động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch mà không có Giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

- Nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam động vật, sản phẩm động vật từ quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch bệnh nguy hiểm trên loài động vật mẫn cảm với bệnh dịch đó.

- Nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật, mẫu bệnh phẩm không được phép của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

- Nhập khẩu, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật thuộc diện cấm nhập khẩu, xuất khẩu theo quy định của pháp luật.

- Giết mổ, thu hoạch động vật, sản phẩm động vật dùng làm thực phẩm trước thời gian ngừng sử dụng thuốc thú y theo hướng dẫn sử dụng.

- Giết mổ, chữa bệnh động vật mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật cấm giết mổ, chữa bệnh.

- Giết mổ động vật, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật để kinh doanh không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y.

- Sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật có chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, thú y hoặc chứa các vi sinh vật, chất tồn dư quá giới hạn cho phép.

- Ngâm, tẩm hóa chất, đưa nước hoặc các loại chất khác vào động vật, sản phẩm động vật làm mất vệ sinh thú y.

- Sử dụng nguyên liệu thuốc thú y để phòng bệnh, chữa bệnh động vật; sử dụng thuốc thú y không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc thú y cấm sử dụng, thuốc thú y hết hạn sử dụng, thuốc thú y chưa được phép lưu hành tại Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 6 Điều 15 của Luật Thú y.

- Sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, buôn bán thuốc thú y giả, thuốc thú y không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc thú y cấm sử dụng, thuốc thú y hết hạn sử dụng, thuốc thú y kém chất lượng, thuốc thú y chưa được phép lưu hành tại Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 100 của Luật Thú y.

- Lưu hành thuốc thú y có nhãn không đúng với nội dung nhãn đã đăng ký với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

- Quảng cáo thuốc thú y không đúng với tính năng, công dụng đã đăng ký.

- Hành nghề thú y trái pháp luật.

3. Tổng hợp văn bản hướng dẫn về Luật Thú y mới nhất

1

Nghị định 35/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật thú y

Nghị định 35/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/07/2016 quy định chi Tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật thú y, cụ thể như sau:

- Hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y và chế độ, chính sách đối với nhân viên thú y xã, phường, thị trấn.

- Kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật.

- Tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu; cấm xuất khẩu, nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật.

- Điều kiện sản xuất, buôn bán, nhập khẩu, kiểm nghiệm, khảo nghiệm thuốc thú y; quy định về thực hành tốt sản xuất thuốc thú y GMP.

- Điều kiện hành nghề thú y.

2

Nghị định 80/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 35/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thú y

Nghị định 80/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 13/10/2022 sửa đổi một số Điều của Nghị định 35/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thú y, đó là:

Điều 14 Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc thú y GMP

Điều 15. Trình tự, thủ tục gia hạn Giấy chứng nhận GMP

Điều 16. Trình tự, thủ tục cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận GMP

3

Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 15/07/2016 quy định chi tiết một số điều của Luật thú y về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, bao gồm:

a) Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch, Danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người, Danh mục bệnh động vật cấm giết mổ, chữa bệnh;

b) Quy định các biện pháp phòng bệnh bắt buộc; yêu cầu vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi; điều kiện động vật, sản phẩm động vật được vận chuyển ra khỏi vùng có dịch;

c) Quy định việc sử dụng thuốc thú y chưa được lưu hành tại Việt Nam trong trường hợp khẩn cấp để kịp thời phòng, chống dịch bệnh động vật;

d) Khai báo, chẩn đoán, điều tra dịch bệnh động vật;

đ) Xử lý bắt buộc động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh và sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch, Danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người hoặc phát hiện có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới;

e) Điều kiện để công bố hết dịch bệnh động vật.

4

Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 16/07/2016 hướng dẫn chi tiết thi hành khoản 2 và 3 Điều 74 của Luật thú y, cụ thể như sau:

- Danh mục động vật thuộc diện phải kiểm soát giết mổ; Danh mục đối tượng thuộc diện phải kiểm tra vệ sinh thú y; Danh mục đối tượng kiểm tra vệ sinh thú y.

- Quy trình kiểm soát giết mổ động vật (Chương II); quy trình, hồ sơ kiểm tra vệ sinh thú y; mẫu dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y (Chương III); quy định việc xử lý động vật, sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y.

Đối với quy định việc xử lý động vật, sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y được quy định cụ thể tại Điều 10 đến Điều 13 của Thông tư.

5

Thông tư 11/2016/TT-BNNPTNT Quy định trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, thẻ kiểm dịch động vật do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 11/2016/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 18/07/2016 quy định về trang phục, biểu tượng, kiểm dịch hiệu, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, thẻ kiểm dịch động vật và chế độ cấp phát sử dụng (được quy định cụ thể tại các Phụ lục I, II, III của Thông tư).

Thông tư này áp dụng đối với người làm công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật.

6

Thông tư 10/2022/TT-BNNPTNT sửa đổi Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 10/2022/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 30/10/2022 sửa đổi Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y. Đơn cử như:

Điều 5. Kiểm tra trước giết mổ

Điều 36. Nguyên tắc kiểm tra vệ sinh thú y đối với cơ sở

Điều 37. Trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y (sau đây gọi là Giấy chứng nhận VSTY)

Thay thế và bãi bỏ một số mẫu phụ lục của Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT

7

Thông tư 12/2016/TT-BNNPTNT Quy định tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng thú y các cấp do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 12/2016/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 19/07/2016 quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng thú y các cấp, bao gồm (Hội đồng thú y trung ương và Hội đồng thú y cấp tỉnh).  Theo Điều 4 Chức năng của Hội đồng thú y các cấp, như sau:

- Hội đồng thú y trung ương có chức năng tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hoạt động thú y thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

- Hội đồng thú y cấp tỉnh có chức năng tư vấn cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hoạt động thú y thuộc phạm vi quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

8

Thông tư 13/2016/TT-BNNPTNT quy định về quản lý thuốc thú y do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 13/2016/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 19/07/2016 quy định về đăng ký lưu hành, khảo nghiệm, sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu, kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng, thu hồi, tiêu hủy, quảng cáo thuốc thú y. Lưu ý tại một số Điều của văn bản như sau:

Điều 3. Hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc thú y; Điều 11. Các trường hợp thuốc thú y miễn khảo nghiệm; Điều 22. Đăng ký nhập khẩu thuốc thú y, nguyên liệu thuốc thú y; Điều 23. Những loại thuốc thú y phải ghi nhãn; Điều 32. Căn cứ xây dựng tiêu chuẩn chất lượng thuốc thú y và căn cứ kiểm tra chất lượng thuốc thú y và Điều 39. Trình tự thu hồi thuốc thú y.

9

Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT Quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 15/08/2016 hướng dẫn Khoản 3 Điều 37 của Luật thú y, cụ thể như sau:

- Danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch; Danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện miễn kiểm dịch; Danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải phân tích nguy cơ trước khi nhập khẩu vào Việt Nam; Danh mục đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn;

- Nội dung, hồ sơ kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh; xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, kho ngoại quan, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam và động vật, sản phẩm động vật trên cạn mang theo người; đánh dấu, cấp mã số động vật trên cạn, niêm phong phương tiện vận chuyển, vật dụng chứa đựng động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch.

10

Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT Quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 15/08/2016 quy định chi Tiết Khoản 3 Điều 53 của Luật thú y về Danh Mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch, miễn kiểm dịch; Danh Mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện phải phân tích nguy cơ trước khi nhập khẩu vào Việt Nam; Danh Mục đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản; nội dung, hồ sơ kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, kho ngoại quan, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam. Trong đó:

- Danh Mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch, miễn kiểm dịch được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

- Danh Mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện phải phân tích nguy cơ trước khi nhập khẩu vào Việt Nam được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

- Danh Mục đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này

11

Thông tư 06/2022/TT-BNNPTNT sửa đổi Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 06/2022/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 11/09/2022 sửa đổi Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản. Đơn cử như sửa các Điều sau:

Điều 19 Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản xuất khẩu mang theo người, gửi qua đường bưu điện; Điều 20. Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu mang theo người, gửi qua đường bưu điện và Điều 21. Vận chuyển mẫu bệnh phẩm thủy sản

12

Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 15/02/2023 quy định chi tiết điểm d khoản 6 Điều 15 và khoản 1 Điều 17 Luật Thú y, bao gồm:

- Trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật (Quy định tại Chương II)

- Điều kiện được công nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật. (Quy định tại Chương III)

13

Thông tư 04/2024/TT-BNNPTNT sửa đổi các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 04/2024/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 16/05/2024 sửa đổi các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn.

14

Thông tư 15/2024/TT-BNNPTNT sửa đổi Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 15/2024/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 06/01/2025 sửa đổi Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y. Thông tư sửa một số Điều như:

Điều 36. Quy định chung về quy trình kiểm tra vệ sinh thú y và Điều 37. Quy trình, hồ sơ kiểm tra vệ sinh thú y

Ngoài ra sửa đổi thay thế Mẫu số 03, Mẫu số 07 và bãi bỏ Mẫu số 01, Mẫu số 06 của Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT

15

Thông tư 29/2016/TT-BNNPTNT Quy định tiêu chuẩn đối với nhân viên thú y xã, phường, thị trấn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 29/2016/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 19/09/2016 quy định về tiêu chuẩn đối với nhân viên thú y xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là nhân viên thú y xã). Tiêu chuẩn đối với nhân viên thú y xã được quy định tại Điều 3 gồm các tiêu chí sau:

Trình độ đào tạo

Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

Có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ theo quy định

Bảo đảm độ tuổi làm việc theo quy định của pháp luật về lao động

16

Thông tư 09/2024/TT-BNNPTNT sửa đổi Thông tư 13/2016/TT-BNNPTNT quy định về quản lý thuốc thú y do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 09/2024/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 15/07/2024 sửa đổi khoản 5 Điều 20 và khoản 5 Điều 34 Thông tư 13/2016/TT-BNNPTNT quy định về quản lý thuốc thú y.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.135.190.107
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!