Vi phạm hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh bị xử phạt thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
30/03/2023 11:00 AM

Xin hỏi các hành vi vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh bị xử phạt hành chính thế nào? - Thiên Kim (TPHCM)

Vi phạm hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh bị xử phạt thế nào?

Vi phạm hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh bị xử phạt thế nào? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Giấy phép kinh doanh gồm những gì?

Theo khoản 4 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP thì giấy phép kinh doanh gồm:

- Giấy phép;

- Giấy chứng nhận đủ điều kiện;

- Chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp;

- Văn bản xác nhận;

- Các hình thức văn bản khác quy định các điều kiện mà cá nhân, tổ chức phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền cấp cho cá nhân, tổ chức đó theo quy định của pháp luật.

2. Vi phạm hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh bị xử phạt thế nào?

Theo Điều 6 Nghị định 98/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP) thì hành vi vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh bị xử phạt như sau:

(1)  Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa làm thay đổi nội dung ghi trong giấy phép kinh doanh;

- Cho thuê, cho mượn, cầm cố, thế chấp, bán, chuyển nhượng giấy phép kinh doanh;

- Thuê, mượn, nhận cầm cố, nhận thế chấp, mua, nhận chuyển nhượng giấy phép kinh doanh.

(2) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh không đúng phạm vi, đối tượng, quy mô, thời hạn, địa bàn, địa điểm hoặc mặt hàng ghi trong giấy phép kinh doanh được cấp.

(3) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép kinh doanh theo quy định;

- Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi giấy phép kinh doanh được cấp đã hết hiệu lực;

- Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định trong quá trình hoạt động kinh doanh;

- Sử dụng giấy phép kinh doanh của thương nhân khác để kinh doanh.

(4) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động kinh doanh trong thời gian bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh.

(5) Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ (1) đến (4) mục này đối với đối tượng hoạt động sản xuất rượu công nghiệp; chế biến, mua bán nguyên liệu thuốc lá; sản xuất sản phẩm thuốc lá; kinh doanh phân phối, bán buôn rượu hoặc sản phẩm thuốc lá thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

(6) Biện pháp khắc phục hậu quả:

- Buộc nộp lại giấy phép kinh doanh bị tẩy xóa, sửa chữa làm thay đổi nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp giấy phép đối với hành vi viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa làm thay đổi nội dung ghi trong giấy phép kinh doanh;

- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi cho thuê, cho mượn, cầm cố, thế chấp, bán, chuyển nhượng giấy phép kinh doanh và các hành vi tại (2), (3), (4).

* Lưu ý: Mức phạt trên áp dụng với cá nhân vi phạm, nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì phạt gấp đôi.

(Theo điểm b khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP))

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 18,342

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn