Người nước ngoài lái xe tại Việt Nam bắt buộc chuyển đổi bằng lái không?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Như Mai
15/03/2023 16:30 PM

Người nước ngoài lái xe tại Việt Nam thì được cấp bằng lái thế nào? Có bắt buộc chuyển đổi bằng lái sang bằng lái Việt Nam không? - Minh Tiến (Hậu Giang)

Người nước ngoài lái xe tại Việt Nam bắt buộc chuyển đổi bằng lái không?

Người nước ngoài lái xe tại Việt Nam bắt buộc chuyển đổi bằng lái không? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Người nước ngoài lái xe tại Việt Nam bắt buộc chuyển đổi bằng lái không?

Theo khoản 10 Điều 33 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT người nước ngoài hoặc người Việt Nam cư trú ở nước ngoài có nhu cầu lái xe ở Việt Nam thực hiện như sau:

- Nếu có giấy phép lái xe quốc gia phải làm thủ tục đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của Việt Nam;

- Trường hợp điều ước quốc tế về giấy phép lái xe mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Căn cứ quy định nêu trên, người nước ngoài không bắt buộc thi giấy phép lái xe (bằng lái) tại Việt Nam nếu đã có giấy phép lái xe tại quốc gia của mình và chỉ cần chuyển đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của Việt Nam. Tuy nhiên, trường hợp giấy phép lái xe của người nước ngoài không tương ứng với loại xe của Việt Nam thì người nước ngoài buộc phải thi bằng lái tại Việt Nam.

2. Quy định về đổi giấy phép lái xe Việt Nam dành cho người nước ngoài

2.1. Đối tượng người nước ngoài được đổi giấy phép lái xe

Khoản 5 Điều 37 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định đối tượng người nước ngoài được đổi giấy phép lái xe Việt Nam bao gồm:

- người nước ngoài được đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe tại Việt Nam;

- Người nước ngoài định cư lâu dài ở Việt Nam đã có giấy phép lái xe Việt Nam đổi từ giấy phép lái xe nước ngoài, khi hết hạn nếu có nhu cầu được đổi giấy phép lái xe;

- Người nước ngoài cư trú, làm việc, học tập tại Việt Nam, có giấy chứng minh thư ngoại giao, giấy chứng minh thư công vụ, thẻ tạm trú, thẻ cư trú, thẻ lưu trú, thẻ thường trú với thời gian từ 03 tháng trở lên, có giấy phép lái xe quốc gia còn thời hạn sử dụng, nếu có nhu cầu lái xe ở Việt Nam được xét đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của Việt Nam;

- Khách du lịch nước ngoài lái xe đăng ký nước ngoài vào Việt Nam, có giấy phép lái xe quốc gia còn thời hạn sử dụng, nếu có nhu cầu lái xe ở Việt Nam được xét đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của Việt Nam;

- Người Việt Nam (mang quốc tịch Việt Nam) trong thời gian cư trú, học tập, làm việc ở nước ngoài được nước ngoài cấp giấy phép lái xe quốc gia, còn thời hạn sử dụng, nếu có nhu cầu lái xe ở Việt Nam được xét đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của Việt Nam.

2.2. Các trường hợp người nước ngoài không được đổi giấy phép lái xe tại Việt Nam

Theo quy định tại khoản 6 Điều 37 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, không đổi giấy phép lái xe đối với các trường hợp sau:

- Giấy phép lái xe tạm thời của nước ngoài; giấy phép lái xe quốc tế; giấy phép lái xe của nước ngoài, quân sự, công an quá thời hạn sử dụng theo quy định, bị tẩy xóa, rách nát không còn đủ các yếu tố cần thiết để đổi giấy phép lái xe hoặc có sự khác biệt về nhận dạng; giấy phép lái xe nước ngoài không do cơ quan có thẩm quyền cấp;

- Người Việt Nam có giấy phép lái xe nước ngoài có thời gian lưu trú tại nước ngoài dưới 03 tháng và thời hạn lưu trú không phù hợp với thời gian đào tạo lái xe của nước cấp giấy phép lái xe.

3. Điều kiện người nước ngoài học lái xe tại Việt Nam

Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT (bổ sung bởi Khoản 5 Điều 1 Thông tư 38/2019/TT-BGTVT), điều kiện đối với người nước ngoài học lái xe tại Việt Nam như sau:

- Là người nước ngoài được phép cư trú hoặc đang làm việc, học tập tại Việt Nam.

- Đủ tuổi (tính đến ngày dự sát hạch lái xe), sức khỏe, trình độ văn hóa theo quy định; đối với người học để nâng hạng giấy phép lái xe, có thể học trước nhưng chỉ được dự sát hạch khi đủ tuổi theo quy định.

- Người học để nâng hạng giấy phép lái xe phải có đủ thời gian lái xe hoặc hành nghề và số km lái xe an toàn như sau:

+ Hạng B1 số tự động lên B1: thời gian lái xe từ 01 năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn trở lên;

+ Hạng B1 lên B2: thời gian lái xe từ 01 năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn trở lên;

+ Hạng B2 lên C, C lên D, D lên E; các hạng B2, C, D, E lên hạng F tương ứng; các hạng D, E lên FC: thời gian hành nghề từ 03 năm trở lên và 50.000 km lái xe an toàn trở lên;

+ Hạng B2 lên D, C lên E: thời gian hành nghề từ 05 năm trở lên và 100.000 km lái xe an toàn trở lên.

+ Trường hợp người học nâng hạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ với hình thức tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, thời gian lái xe an toàn được tính từ ngày chấp hành xong các quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

- Người học để nâng hạng giấy phép lái xe lên các hạng D, E phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,772

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn