Luật Nghĩa vụ quân sự mới nhất và tổng hợp văn bản hướng dẫn

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
23/11/2022 17:01 PM

Xin cho tôi hỏi Luật Nghĩa vụ quân sự mới nhất có những văn bản nào hướng dẫn thi hành? - Thanh Phước (Bình Phước)

Luật Nghĩa vụ quân sự mới nhất và tổng hợp văn bản hướng dẫn

Luật Nghĩa vụ quân sự mới nhất và tổng hợp văn bản hướng dẫn

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Luật Nghĩa vụ quân sự mới nhất

Luật Nghĩa vụ quân sự mới nhất được ban hành vào ngày 19/06/2015 và có hiệu lực thi hành vào ngày 01/01/2016, có tất cả 09 chương và 62 điều luật.

Cụ thể tiêu đề từng chương trong Luật Nghĩa vụ quân sự mới nhất như sau:

- Chương I: Những quy định chung

- Chương II: Đăng ký nghĩa vụ quân sự và quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự

- Chương III: Phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị

+ Mục 1: Phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ

+ Mục 2: Phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị

- Chương IV: Nhập ngũ và xuất ngũ trong thời bình

+ Mục 1: Gọi công dân nhập ngũ

+ Mục 2: Tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ

+ Mục 3: Xuất ngũ

- Chương V: Nhập ngũ theo lệnh tổng động viên, xuất ngũ khi bãi bỏ tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng

- Chương VI: Chế độ, chính sách và ngân sách bảo đảm trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự

- Chương VII: Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức

- Chương VIII: Xử lý vi phạm

- Chương IX: Điều khoản thi hành

2. Tổng hợp văn bản hướng dẫn Luật Nghĩa vụ quân sự mới nhất

Tổng hợp văn bản hướng dẫn Luật Nghĩa vụ dân sự

- Nghị định 27/2016/NĐ-CP quy định một số chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ

- Nghị định 14/2016/NĐ-CP quy định ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của quân đội nhân dân đối với công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự; công dân thuộc diện miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến và việc huấn luyện binh sĩ dự bị hạng hai

- Nghị định 13/2016/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục đăng ký và chế độ, chính sách của công dân trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự

- Thông tư 16/2020/TT-BQP quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng

- Thông tư 148/2018/TT-BQP quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ

- Thông tư 279/2017/TT-BQP quy định việc thực hiện xuất ngũ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ trong quân đội nhân dân

- Thông tư 220/2016/TT-BQP quy định hạ sĩ quan, binh sĩ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật khi thực hiện nghĩa vụ quân sự được ưu tiên sử dụng vào vị trí công tác phù hợp với nhu cầu của quân đội

- Thông tư 07/2016/TT-BQP quy định phong, thăng, giáng cấp bậc quân hàm; bổ nhiệm chức vụ, giáng chức, cách chức; chức vụ tương đương và cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân Việt Nam

- Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP quy định khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự

- Thông tư liên tịch 20/2016/TTLT-BGDĐT-BQP hướng dẫn thực hiện pháp luật về nghĩa vụ quân sự và đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật cho quân đội

3. Thế nào là nghĩa vụ quân sự?

Theo khoản 1 Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.

4. Tiêu chuẩn tuyển chọn đi nghĩa vụ quân sự

(1) Tuổi đời

- Công dân từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi.

- Công dân nam được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo thì tuyển chọn và gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.

(2) Tiêu chuẩn chính trị:

- Thực hiện theo Thông tư liên tịch 50/2016/TTLT-BQP-BCA ngày 15/4/2016.

- Đối với các cơ quan, đơn vị và vị trí trọng yếu cơ mật trong Quân đội; lực lượng Tiêu binh, Nghi lễ; lực lượng Vệ binh và Kiểm soát quân sự chuyên nghiệp thực hiện tuyển chọn theo quy định của Bộ Quốc phòng.

(3) Tiêu chuẩn sức khỏe:

-  Tuyển chọn những công dân có sức khỏe loại 1, 2, 3 theo quy định tại Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30/6/2016.

-  Đối với các cơ quan, đơn vị và vị trí trọng yếu cơ mật trong Quân đội; lực lượng Tiêu binh, Nghi lễ; lực lượng Vệ binh và Kiểm soát quân sự chuyên nghiệp, thực hiện tuyển chọn bảo đảm tiêu chuẩn riêng theo quy định của Bộ Quốc phòng.

- Không gọi nhập ngũ vào Quân đội những công dân có sức khỏe loại 3 tật khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 diop trở lên, viễn thị các mức độ); nghiện ma túy, nhiễm HlV, AIDS.

(4) Tiêu chuẩn văn hóa:

- Tuyển chọn và gọi nhập ngũ những công dân có trình độ văn hóa lớp 8 trở lên, lấy từ cao xuống thấp. Những địa phương có khó khăn không đảm bảo đủ chỉ tiêu giao quân thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định được tuyển chọn số công dân có trình độ văn hóa lớp 7.

- Các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; đồng bào dân tộc thiểu số dưới 10.000 người thì được tuyển không quá 25% công dân có trình độ văn hóa cấp tiểu học, còn lại là trung học cơ sở trở lên.

(Điều 30 Luật nghĩa vụ quân sự, Điều 4 Thông tư 148/2018/TT-BQP).

Thanh Rin

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 100,806

Bài viết về

Nghĩa vụ quân sự 2023

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn