Mức phạt đối với hành vi bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
22/11/2022 09:05 AM

Xin cho tôi hỏi cá nhân, tổ chức có hành vi bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ sẽ bị xử phạt như thế nào? - Minh Hằng (Trà Vinh)

Mức phạt đối với hành vi bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ

Mức phạt đối với hành vi bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thế nào là gia súc?

Theo khoản 5 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018, vật nuôi bao gồm gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi.

Trong đó:

- Gia súc là các loài động vật có vú, có 04 chân được con người thuần hóa và chăn nuôi.

- Gia cầm là các loài động vật có 02 chân, có lông vũ, thuộc nhóm động vật có cánh được con người thuần hóa và chăn nuôi.

- Động vật khác trong chăn nuôi là động vật ngoài gia súc, gia cầm và ngoài Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, động vật rừng thông thường, động vật thủy sản, danh mục động vật rừng hoang dã thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

(Khoản 6, 7 và 8 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018)

Như vậy, gia súc là vật nuôi thuộc loài động vật có vú, có 04 chân được con người thuần hóa và chăn nuôi.

2. Hành vi bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ có bị cấm không?

Cụ thể tại Điều 12 Luật Chăn nuôi 2018, cá nhân, tổ chức bị nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây khi hoạt động chăn nuôi:

(1) Chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường.

(2) Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

(3) Sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi không phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam.

(4) Sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng.

(5) Phá hoại, chiếm đoạt nguồn gen giống vật nuôi.

(6) Xuất khẩu trái phép nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm.

(7) Nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

(8) Nhập khẩu, kinh doanh, chế biến sản phẩm chăn nuôi từ vật nuôi chết do bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân.

(9) Nhập khẩu, nuôi, phóng thích, sử dụng trái phép vật nuôi biến đổi gen, sản phẩm chăn nuôi từ vật nuôi biến đổi gen.

(10) Sử dụng, đưa chất, vật thể, bơm nước cưỡng bức vào cơ thể vật nuôi, sản phẩm của vật nuôi nhằm mục đích gian lận thương mại.

(11) Thông đồng, gian dối trong thử nghiệm, khảo nghiệm, kiểm định, công bố chất lượng, chứng nhận sự phù hợp trong lĩnh vực chăn nuôi.

(12) Xả thải chất thải chăn nuôi chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu vào nơi tiếp nhận chất thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

(13) Gian dối trong kê khai hoạt động chăn nuôi nhằm trục lợi.

(14) Cản trở, phá hoại, xâm phạm hoạt động chăn nuôi hợp pháp.

Do đó, cá nhân, tổ chức hành vi bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ thuộc hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chăn nuôi theo quy định tại (10).

Khi đó, cá nhân, tổ chức sẽ bị xử lý hành vi phạm trên theo quy định của pháp luật.

3. Mức phạt đối với hành vi bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ

Cá nhân, tổ chức có hành vi đưa vật thể lạ, bơm nước cưỡng bức hoặc các chất khác vào cơ thể động vật trên cạn trước khi giết mổ bị xử phạt theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Nghị định 14/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm dưới 100 kg;

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 100 kg đến dưới 500 kg;

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 500 kg đến dưới 1.000 kg;

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 1.000 kg trở lên.

Ngoài hình thức phạt tiền, cá nhân, tổ chức còn phải chịu các hình thức phạt bổ sung kèm theo biện pháp khắc phục hậu quả

- Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 01 tháng đến 06 tháng đối với hành vi bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xử lý nhiệt đối với động vật; trường hợp tái phạm thì buộc tiêu hủy.

(Điểm b khoản 5 và khoản 6 Điều 29 Nghị định 14/2021/NĐ-CP)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,658

Bài viết về

lĩnh vực Vi phạm hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn