Dịch vụ trung gian thanh toán là gì? Các loại dịch vụ trung gian thanh toán

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
10/11/2022 15:32 PM

Dịch vụ trung gian thanh toán là gì? Các loại dịch vụ trung gian thanh toán hiện nay gồm những gì? - Văn Long (Tiền Giang)

Dịch vụ trung gian thanh toán là gì? Các loại dịch vụ trung gian thanh toán

Dịch vụ trung gian thanh toán là gì? Các loại dịch vụ trung gian thanh toán

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Dịch vụ trung gian thanh toán là gì?

Theo khoản 10 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 thì dịch vụ trung gian thanh toán là hoạt động làm trung gian kết nối, truyền dẫn và xử lý dữ liệu điện tử các giao dịch thanh toán giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và người sử dụng dịch vụ thanh toán.

2. Các loại dịch vụ trung gian thanh toán

Các loại dịch vụ trung gian thanh toán theo Điều 2 và Điều 3 Thông tư 39/2014/TT-NHNN (sửa đổi tại Thông tư 23/2019/TT-NHNN) bao gồm:

* Dịch vụ cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử, gồm:

- Dịch vụ chuyển mạch tài chính là dịch vụ cung ứng hạ tầng kỹ thuật để thực hiện việc kết nối, truyền dẫn và xử lý dữ liệu điện tử để thực hiện các giao dịch thanh toán thông qua ATM, POS, Internet, điện thoại di động và các kênh giao dịch điện tử khác giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và/hoặc giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

- Dịch vụ bù trừ điện tử là dịch vụ cung ứng hạ tầng kỹ thuật để thực hiện việc tiếp nhận, đối chiếu dữ liệu thanh toán và tính toán kết quả số tiền phải thu, phải trả sau khi bù trừ giữa các thành viên tham gia để thực hiện việc quyết toán cho các bên có liên quan.

- Dịch vụ cổng thanh toán điện tử là dịch vụ cung ứng hạ tầng kỹ thuật để thực hiện việc kết nối giữa các đơn vị chấp nhận thanh toán và ngân hàng nhằm hỗ trợ khách hàng thực hiện thanh toán trong giao dịch thương mại điện tử, thanh toán hóa đơn điện tử và các dịch vụ thanh toán điện tử khác.

* Dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán, gồm:

- Dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ là dịch vụ hỗ trợ các ngân hàng thực hiện dịch vụ thu hộ, chi hộ cho khách hàng có tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng tại ngân hàng thông qua việc nhận, xử lý, gửi thông điệp dữ liệu điện tử và tính toán kết quả thu hộ, chi hộ; hủy việc thu hộ, chi hộ để quyết toán cho các bên có liên quan.

- Dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử là dịch vụ hỗ trợ việc tiếp nhận, truyền dẫn và xử lý dữ liệu trong các giao dịch chuyển tiền điện tử của ngân hàng hoặc được ngân hàng ủy thác.

- Dịch vụ Ví điện tử.

3. Hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

Hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán theo Chương III Thông tư 39/2014/TT-NHNN (sửa đổi tại Thông tư 23/2019/TT-NHNN) như sau:

3.1. Quản lý rủi ro, đảm bảo an toàn, bảo mật

- Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải xây dựng và thực hiện quy định nội bộ và tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về các nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng điện tử, tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về phòng, chống rửa tiền và các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan.

- Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải thực hiện các yêu cầu đảm bảo an toàn, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng; an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

- Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải tuân thủ các quy định về việc lập, sử dụng, bảo quản, lưu trữ chứng từ điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng.

3.2. Đảm bảo khả năng thanh toán

- Tổ chức cung ứng dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ phải thỏa thuận với ngân hàng hợp tác về các biện pháp đảm bảo khả năng thanh toán cho việc cung ứng dịch vụ này, bao gồm việc mở tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ hoặc duy trì khoản tiền ký quỹ hoặc các biện pháp đảm bảo khác.

- Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử phải mở tài khoản đảm bảo thanh toán để đảm bảo cho việc cung ứng dịch vụ này. 

Tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ Ví điện tử không được sử dụng chung với tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ (nếu có) và phải tách bạch với các tài khoản thanh toán khác tại ngân hàng hợp tác.

Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử có nghĩa vụ duy trì tổng số dư trên tất cả các tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ Ví điện tử mở tại các ngân hàng hợp tác không thấp hơn so với tổng số dư của tất cả các Ví điện tử của các khách hàng tại cùng một thời điểm.

- Tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ Ví điện tử chỉ được sử dụng vào việc:

+ Thanh toán vào tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của đơn vị chấp nhận thanh toán tại ngân hàng;

+ Hoàn trả tiền vào tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng (chủ Ví điện tử) trong trường hợp:

++ Khách hàng rút tiền ra khỏi Ví điện tử về tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng;

++ Khách hàng không còn nhu cầu sử dụng Ví điện tử;

++ Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử chấm dứt cung ứng dịch vụ Ví điện tử cho khách hàng;

++ Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử chấm dứt hoạt động, bị thu hồi Giấy phép, giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật;

+ Thanh toán vào tài khoản thanh toán của các đơn vị cung ứng dịch vụ công trong trường hợp khách hàng sử dụng Ví điện tử để thanh toán, nộp phí, lệ phí cho các dịch vụ công hợp pháp theo quy định của pháp luật;

+ Chuyển đến các tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ Ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử mở.

3.3. Hoạt động cung ứng Ví điện tử

(1) Hồ sơ mở Ví điện tử:

* Đối với Ví điện tử của cá nhân:

- Thông tin của cá nhân mở Ví điện tử theo yêu cầu của tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử và phù hợp với quy định tại (2) mục này;

- Căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn, giấy khai sinh (đối với cá nhân là công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi); thị thực nhập cảnh hoặc giấy tờ chứng minh được miễn thị thực nhập cảnh của cá nhân mở Ví điện tử (đối với cá nhân là người nước ngoài);

* Đối với Ví điện tử của tổ chức:

- Thông tin của tổ chức mở Ví điện tử theo yêu cầu của tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử và phù hợp với quy định tại (2) mục này;

- Một trong các giấy tờ chứng minh việc tổ chức mở Ví điện tử được thành lập và hoạt động hợp pháp như: Quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư hoặc các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật;

- Các giấy tờ chứng minh tư cách đại diện của người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền (gọi là người đại diện hợp pháp) của tổ chức mở Ví điện tử kèm theo căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn của người đó;

* Khách hàng đăng ký mở Ví điện tử có thể xuất trình các tài liệu quy định tại điểm a(ii), b(ii) và b(iii) khoản 1 Điều 9 Thông tư 39/2014/TT-NHNN dưới hình thức bản chính hoặc bản sao hoặc bản quét (scan) từ bản gốc hoặc hình thức khác theo quy định của tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử;

* Khách hàng có thể đăng ký và gửi Hồ sơ mở Ví điện tử trực tiếp tại trụ sở, chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử hoặc các kênh giao dịch trực tuyến của tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử hoặc các phương thức khác theo quy định của tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử và phù hợp với quy định của pháp luật.

(2) Thông tin của khách hàng mở Ví điện tử bao gồm:

* Đối với Ví điện tử của cá nhân:

- Đối với cá nhân là người Việt Nam: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; số điện thoại; số căn cước công dân hoặc số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu còn thời hạn, ngày cấp, nơi cấp;

- Đối với cá nhân là người nước ngoài: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; số điện thoại; số hộ chiếu còn thời hạn, ngày cấp, nơi cấp, thị thực nhập cảnh (nếu có);

* Đối với Ví điện tử của tổ chức:

- Tên giao dịch đầy đủ và viết tắt; mã số doanh nghiệp và mã số thuế (nếu tổ chức có mã số thuế khác mã số doanh nghiệp); địa chỉ đặt trụ sở chính; địa chỉ giao dịch; số điện thoại;

- Thông tin về người đại diện hợp pháp của tổ chức mở Ví điện tử theo quy định Đối với Ví điện tử của cá nhân;

* Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử phải có các quy định và điều khoản về việc đăng ký mở và sử dụng Ví điện tử và phải công khai cho khách hàng biết trước khi đăng ký mở Ví điện tử. 

Ngoài những nội dung quy định đối với Ví điện tử của cá nhân và của tổ chức thì tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử được bổ sung thêm những thông tin khác phù hợp với từng đối tượng khách hàng và phù hợp với quy định của pháp luật, nhưng phải thông báo rõ và hướng dẫn cụ thể cho khách hàng biết.

(3) Trường hợp cá nhân đăng ký mở Ví điện tử có tài khoản thanh toán được mở thông qua người giám hộ, người đại diện theo pháp luật thì ngoài các giấy tờ và thông tin quy định, hồ sơ mở Ví điện tử phải có thêm các tài liệu, thông tin sau:

* Trường hợp người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của chủ Ví điện tử là cá nhân, hồ sơ mở Ví điện tử phải có thêm căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn của người giám hộ, người đại diện theo pháp luật và các giấy tờ chứng minh tư cách giám hộ, đại diện hợp pháp của người đó đối với chủ Ví điện tử. 

Các thông tin về người giám hộ, người đại diện theo pháp luật theo quy định đối với Ví điện tử của cá nhân;

* Trường hợp người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của chủ Ví điện tử là pháp nhân, hồ sơ mở Ví điện tử phải có thêm một trong các giấy tờ chứng minh việc tổ chức này được thành lập và hoạt động hợp pháp, các giấy tờ chứng minh tư cách giám hộ, đại diện hợp pháp của tổ chức đó đối với chủ Ví điện tử.

Các thông tin về người giám hộ, người đại diện theo pháp luật theo quy định  đối với Ví điện tử của tổ chức, thông tin về người đại diện hợp pháp của tổ chức đó theo quy định đối với Ví điện tử của cá nhân.

(4) Xác thực thông tin khách hàng mở Ví điện tử:

- Chủ Ví điện tử phải cung cấp, cập nhật đầy đủ, chính xác các thông tin trong hồ sơ mở Ví điện tử cho tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử và chịu trách nhiệm về tính trung thực của các thông tin mà mình cung cấp;

- Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo hồ sơ mở Ví điện tử của khách hàng là đầy đủ, hợp lệ theo quy định tại (1), (2) và (3).

(5) Việc liên kết Ví điện tử với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng (chủ Ví điện tử) tại ngân hàng liên kết:

- Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử phải yêu cầu khách hàng hoàn thành việc liên kết Ví điện tử với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng mở tại ngân hàng liên kết trước khi khách hàng sử dụng Ví điện tử;

- Ví điện tử phải được liên kết với tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam hoặc thẻ ghi nợ (có gắn với tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam) của khách hàng mở tại ngân hàng liên kết;

- Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử phải thỏa thuận với ngân hàng liên kết hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử về quy trình, cách thức liên kết Ví điện tử với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng;

- Khách hàng được liên kết Ví điện tử với một hoặc nhiều tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng (chủ Ví điện tử) mở tại các ngân hàng liên kết.

(6) Sử dụng Ví điện tử:

- Việc nạp tiền vào Ví điện tử phải thực hiện từ:

+ Tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng (chủ Ví điện tử) tại ngân hàng;

+ Nhận tiền từ Ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử mở;

- Khách hàng được sử dụng Ví điện tử để:

+ Thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp;

+ Chuyển tiền cho Ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử mở;

+ Rút tiền ra khỏi Ví điện tử về tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng (chủ Ví điện tử) tại ngân hàng.

- Tổng hạn mức giao dịch qua các Ví điện tử cá nhân của 01 khách hàng tại 01 tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử;

Bao gồm giao dịch thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp và giao dịch chuyển tiền từ Ví điện tử cho Ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử mở) tối đa là 100 (một trăm) triệu đồng Việt Nam trong một tháng.

- Quy định tổng hạn mức giao dịch qua các Ví điện tử cá nhân của 01 khách hàng tại 01 tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử không áp dụng đối với Ví điện tử cá nhân của người có ký hợp đồng/thỏa thuận làm đơn vị chấp nhận thanh toán với tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử;

- Nghiêm cấm việc sử dụng Ví điện tử để thực hiện các giao dịch cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác; nghiêm cấm việc thuê, cho thuê, mượn, cho mượn Ví điện tử hoặc mua, bán thông tin Ví điện tử;

- Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử không được phép cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng Ví điện tử, trả lãi trên số dư Ví điện tử hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên Ví điện tử so với giá trị tiền khách hàng nạp vào Ví điện tử.

- Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử phải cung cấp công cụ để Ngân hàng Nhà nước giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ Ví điện tử. Công cụ giám sát phải đảm bảo:

+ Cho phép giám sát tổng số lượng Ví điện tử (đã phát hành, đã kích hoạt và đang hoạt động), tổng số dư Ví điện tử của tất cả khách hàng tại thời điểm truy cập công cụ giám sát;

+ Cho phép giám sát tổng số dư tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ Ví điện tử, thông tin của từng tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ Ví điện tử mở tại các ngân hàng hợp tác, bao gồm tên tài khoản, số hiệu tài khoản, số dư tại thời điểm truy cập công cụ giám sát;

+ Cho phép khai thác số liệu theo kỳ báo cáo tháng (tính từ ngày 01 của tháng đến ngày cuối cùng của tháng) vào chậm nhất là ngày 05 tháng tiếp theo, bao gồm:

- Tổng số lượng và tổng số dư Ví điện tử (đã phát hành, đã kích hoạt và đang hoạt động) vào cuối ngày của ngày cuối cùng của kỳ báo cáo; tổng số lượng và tổng giá trị giao dịch nạp tiền, giao dịch rút tiền, giao dịch thanh toán và các giao dịch khác của Ví điện tử được thống kê theo từng ngày trong tháng;

- Tổng số lượng giao dịch bên nợ, tổng giá trị giao dịch bên Nợ, tổng số lượng giao dịch bên Có, tổng giá trị giao dịch bên có của tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ Ví điện tử được thống kê theo từng ngày trong tháng;

- Thông tin về 10 Ví điện tử có số lượng giao dịch nhiều nhất và 10 Ví điện tử có giá trị giao dịch cao nhất theo từng đối tượng khách hàng (đơn vị chấp nhận thanh toán; 

Khách hàng cá nhân, khách hàng tổ chức nhưng không bao gồm cá nhân, tổ chức là đơn vị chấp nhận thanh toán) bao gồm số dư đầu kỳ, số dư cuối kỳ; tổng số lượng và tổng giá trị giao dịch nạp tiền, rút tiền theo từng ngân hàng liên kết;

Tổng số lượng và tổng giá trị giao dịch thanh toán, chuyển tiền; tổng số lượng và tổng giá trị các giao dịch khác nếu có (chỉ thống kê các giao dịch do hệ thống xử lý thành công). Số lượng Ví điện tử cần báo cáo có thể thay đổi theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Quốc Đạt

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 64,193

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn