Luật Hôn nhân và gia đình mới nhất và tổng hợp văn bản hướng dẫn

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
24/10/2022 15:30 PM

Cấu trúc của Luật Hôn nhân và gia đình mới nhất như thế nào? Có những văn bản nào hướng dẫn Luật Hôn nhân và gia đình? - Anh Thư (Hậu Giang)

Luật Hôn nhân và gia đình mới nhất và tổng hợp văn bản hướng dẫn

Luật Hôn nhân và gia đình mới nhất và tổng hợp văn bản hướng dẫn

1. Luật Hôn nhân và gia đình mới nhất

Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có tất cả 133 Điều và được chia thành 09 chương.

Cụ thể tiêu đề từng chương như sau:

- Chương I: Những quy định chung

- Chương II: Kết hôn

- Chương III: Quan hệ giữa vợ và chồng, bao gồm các mục:

+ Mục 1: Quyền và nghĩa vụ về nhân thân

+ Mục 2: Đại diện giữa vợ và chồng

+ Mục 3: Chế độ tài sản của vợ chồng

- Chương IV: Chấm dứt hôn nhân, bao gồm các mục:

+ Mục 1: Ly hôn

+ Mục 2: Hôn nhân chấm dứt do vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết

- Chương V: Quan hệ giữa cha mẹ và con, bao gồm các mục:

+ Mục 1: Quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con

+ Mục 2: Xác định cha, mẹ, con

- Chương VI: Quan hệ giữa các thành viên khác của gia đình

- Chương VII: Cấp dưỡng

- Chương VIII: Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

- Chương IX: Điều khoản thi hành

Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2015.

2. Tổng hợp văn bản hướng dẫn Luật Hôn nhân và gia đình mới nhất

- Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình.

- Nghị định 10/2015/NĐ-CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

- Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.

- Nghị định 98/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2015/NĐ-CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

- Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

- Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành một số điều quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.

3. Các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình

Theo Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 , các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình được quy định như sau:

- Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.

- Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

- Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con.

- Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

- Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình.

4. Các hành vi nghiêm cấm trong chế độ hôn nhân và gia đình

Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định Luật Hôn nhân và gia đình 2014 được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

Cụ thể tại khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 , Nhà nước cấm các hành vi sau đây:

- Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

- Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

- Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

- Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

- Yêu sách của cải trong kết hôn;

- Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;

- Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;

- Bạo lực gia đình;

- Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.

Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật đời tư và các quyền riêng tư khác của các bên được tôn trọng, bảo vệ trong quá trình giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 121,625

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn