Trọng tài thương mại là gì? Các trường hợp thỏa thuận trọng tài thương mại vô hiệu

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
27/09/2022 10:01 AM

Trọng tài thương mại là gì? Các trường hợp nào thì thỏa thuận trọng tài thương mại được xem là vô hiệu? - Phong Nhã (Bến Tre)

Trọng tài thương mại là gì? Các trường hợp thỏa thuận trọng tài thương mại vô hiệu

Trọng tài thương mại là gì? Các trường hợp thỏa thuận trọng tài thương mại vô hiệu

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Trọng tài thương mại là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010, trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định Luật Trọng tài thương mại 2010.

Trong đó:

- Trọng tài quy chế là hình thức giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài theo quy định Luật Trọng tài thương mại 2010 và quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài đó.

- Trọng tài vụ việc là hình thức giải quyết tranh chấp theo quy định Luật Trọng tài thương mại 2010 và trình tự, thủ tục do các bên thoả thuận.

(Khoản 6, 7 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010)

2. Hình thức thỏa thuận trọng tài thương mại

Thỏa thuận trọng tài thương mại có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng.

Cụ thể, thoả thuận trọng tài thương mại phải được xác lập dưới dạng văn bản. Các hình thức thỏa thuận sau đây cũng được coi là xác lập dưới dạng văn bản:

- Thoả thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;

- Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên;

- Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên;

- Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác;

- Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.

(Điều 16 Luật Trọng tài thương mại 2010)

3. Các trường hợp thỏa thuận trọng tài thương mại vô hiệu

 Các trường hợp thỏa thuận trọng tài thương mại vô hiệu được quy định tại Điều 18 Luật Trọng tài thương mại 2010, cụ thể như sau:

- Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài thương mại quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010:

+ Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.

+ Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.

+ Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài thương mại.

- Người xác lập thoả thuận trọng tài thương mại không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

- Người xác lập thoả thuận trọng tài thương mại không có năng lực hành vi dân sự theo quy định Bộ luật dân sự 2015.

- Hình thức của thoả thuận trọng tài thương mại không phù hợp với quy định tại mục 2.

- Một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó là vô hiệu.

- Thỏa thuận trọng tài thương mại vi phạm điều cấm của pháp luật.

Trong đó, khi xem xét thoả thuận trọng tài thương mại bị vô hiệu thì cần lưu ý một số trường hợp như sau:

- “Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài thương mại” là trường hợp thỏa thuận trọng tài được xác lập để giải quyết tranh chấp không thuộc lĩnh vực theo quy định.

- “Người xác lập thỏa thuận trọng tài thương mại không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật” là người xác lập thỏa thuận trọng tài khi không phải là người đại diện theo pháp luật hoặc không phải là người được ủy quyền hợp pháp hoặc là người được ủy quyền hợp pháp nhưng vượt quá phạm vi được ủy quyền.

Về nguyên tắc thỏa thuận trọng tài do người không có thẩm quyền xác lập thì thỏa thuận trọng tài đó vô hiệu.

Trường hợp thỏa thuận trọng tài do người không có thẩm quyền xác lập nhưng trong quá trình xác lập, thực hiện thỏa thuận trọng tài hoặc trong tố tụng trọng tài mà người có thẩm quyền xác lập thỏa thuận trọng tài đã chấp nhận hoặc đã biết mà không phản đối thì thỏa thuận trọng tài không vô hiệu.

- “Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự” là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Trong trường hợp này thì Tòa án cần thu thập chứng cứ để chứng minh người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự thì phải có giấy tờ tài liệu chứng minh ngày tháng năm sinh hoặc kết luận của cơ quan có thẩm quyền hoặc quyết định của Tòa án xác định, tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

- “Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định” là trường hợp thỏa thuận trọng tài không được xác lập bằng một trong các hình thức quy định tại Điều 16 Luật Trọng tài thương mại 2010 và hướng dẫn tại Điều 7 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP.

- “Một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài” là trường hợp một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép theo quy định tại Điều 4, Điều 132  Bộ luật dân sự 2015.

- “Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật” là thỏa thuận thuộc trường hợp quy định tại Điều 128 Bộ luật dân sự 2015.

(Điều 3 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP)

>>> Xem thêm: Muốn được giải quyết tranh chấp bằng hình thức trọng tài thương mại thì cần đáp ứng những điều kiện gì?

Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có bắt buộc tiến hành công khai hay không? Địa điểm giải quyết tranh chấp có thể được chọn do yêu cầu một bên không?

Thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại là trong bao lâu? Khi áp dụng giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại thì có tốn phí hay không?

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 31,466

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn