Hợp đồng BCC là gì? Nội dung hợp đồng BCC theo pháp luật đầu tư 2022

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Võ Ngọc Nhi
23/08/2022 14:53 PM

Tôi đang hợp tác kinh doanh với đối tác và muốn biết hợp đồng BCC là gì? Nội dung hợp đồng BCC theo pháp luật đầu tư 2022 bao gồm những gì? - Minh Luân (Tiền Giang)

Hợp đồng bcc là gì? Nội dung hợp đồng BCC

Hợp đồng bcc là gì? Nội dung hợp đồng BCC

1. Hợp đồng bcc là gì?

Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.

(Khoản 14 Điều 3 Luật Đầu tư 2020)

2. Nội dung hợp đồng BCC theo pháp luật đầu tư 2022

- Hợp đồng BCC bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

+ Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa điểm thực hiện dự án đầu tư;

+ Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;

+ Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;

+ Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;

+ Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;

+ Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;

+ Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.

- Trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC, các bên tham gia hợp đồng được thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

- Các bên tham gia hợp đồng BCC có quyền thỏa thuận những nội dung khác không trái với quy định của pháp luật.

(Điều 28 Luật Đầu tư 2020)

3. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC theo pháp luật đầu tư 2022

Việc đầu tư theo hình thức hợp đồng bcc được quy định như sau:

- Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.

- Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 38 Luật Đầu tư 2020, cụ thể:

+ Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại các điều 30, 31 và 32 Luật Đầu tư 2020 trong thời hạn sau đây:

05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của nhà đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 38 Luật Đầu tư 2020

+ Đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại các điều 30, 31 và 32 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

Dự án đầu tư không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh;

Có địa điểm thực hiện dự án đầu tư;

Dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch quy định tại điểm a khoản 3 Điều 33 Luật Đầu tư 2020;

Đáp ứng điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất, số lượng lao động sử dụng (nếu có);

Đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

- Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

- Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.

4. Thành lập văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC theo pháp luật đầu tư 2022

Việc thành lập văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC quy định như sau:

- Nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC được thành lập văn phòng điều hành tại Việt Nam để thực hiện hợp đồng. Địa điểm văn phòng điều hành do nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC quyết định theo yêu cầu thực hiện hợp đồng.

- Văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC có con dấu; được mở tài khoản, tuyển dụng lao động, ký hợp đồng và tiến hành các hoạt động kinh doanh trong phạm vi quyền và nghĩa vụ quy định tại hợp đồng BCC và Giấy chứng nhận đăng ký thành lập văn phòng điều hành.

- Nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC nộp hồ sơ đăng ký thành lập văn phòng điều hành tại cơ quan đăng ký đầu tư nơi dự kiến đặt văn phòng điều hành.

Hồ sơ đăng ký thành lập văn phòng điều hành

Hồ sơ đăng ký thành lập văn phòng điều hành bao gồm:

- Văn bản đăng ký thành lập văn phòng điều hành gồm: tên và địa chỉ văn phòng đại diện tại Việt Nam (nếu có) của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC; tên, địa chỉ văn phòng điều hành; nội dung, thời hạn, phạm vi hoạt động của văn phòng điều hành; họ, tên, nơi cư trú, số Giấy chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu của người đứng đầu văn phòng điều hành;

- Quyết định của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC về việc thành lập văn phòng điều hành;

- Bản sao quyết định bổ nhiệm người đứng đầu văn phòng điều hành;

- Bản sao hợp đồng BCC.

- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ quy định tại khoản 4 Điều này, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng điều hành cho nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC.

(Điều 49 Luật Đầu tư 2020)

5. Hồ sơ chấm dứt hoạt động văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC theo pháp luật đầu tư 2022

Chấm dứt hoạt động văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC như sau:

- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định chấm dứt hoạt động của văn phòng điều hành, nhà đầu tư nước ngoài gửi hồ sơ thông báo cho cơ quan đăng ký đầu tư nơi đặt văn phòng điều hành.

Hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động văn phòng điều hành

- Hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động văn phòng điều hành bao gồm:

+ Quyết định chấm dứt hoạt động của văn phòng điều hành trong trường hợp văn phòng điều hành chấm dứt hoạt động trước thời hạn;

+ Danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán;

+ Danh sách người lao động, quyền và lợi ích của người lao động đã được giải quyết;

+ Xác nhận của cơ quan thuế về việc đã hoàn thành nghĩa vụ về thuế;

+ Xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội về việc đã hoàn thành nghĩa vụ về bảo hiểm xã hội;

+ Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng điều hành;

+ Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

+ Bản sao hợp đồng BCC.

- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ nêu trên, cơ quan đăng ký đầu tư quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng điều hành.

(Điều 50 Luật Đầu tư 2020)

>>> Xem thêm: Mẫu hợp đồng hợp tác kinh doanh mới nhất năm 2022? Hợp đồng hợp tác kinh doanh có những nội dung nào?

Đóng góp bằng nhân lực cho hợp đồng BCC (hợp đồng hợp tác kinh doanh) thì có phù hợp với quy định không?

Nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư Việt Nam có được ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh hay không?

Ngọc Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 93,856

Bài viết về

lĩnh vực Đầu tư

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn