Áp dụng biện pháp xử lý hành chính và 05 điều cần biết

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
26/04/2022 10:42 AM

Biện pháp xử lý hành chính là biện pháp được áp dụng đối với cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm. Sau đây là 05 điều cần biết khi áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Áp dụng biện pháp xử lý hành chính và 05 điều cần biết

Áp dụng biện pháp xử lý hành chính và 05 điều cần biết (Ảnh minh họa)

1. Có bao nhiêu biện pháp xử lý hành chính?

Biện pháp xử lý hành chính bao gồm các biện pháp sau:

- Giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

- Đưa vào trường giáo dưỡng;

- Đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

(Khoản 3 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012)

2. Nguyên tắc áp dụng biện pháp xử lý hành chính

- Cá nhân chỉ bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu thuộc một trong các đối tượng quy định tại các điều 90, 92, 94 và 96 của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012;

Các biện pháp xử lý hành chính không áp dụng đối với người nước ngoài.

- Việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính phải được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;

- Việc quyết định thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân người vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;

- Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.

(Khoản 2 Điều 3, khoản 2 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012)

3. Thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính

- Thời hiệu áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn:

+ 01 năm, kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012;

+ 06 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012;

+ 06 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối một trong các hành vi vi phạm quy định tại các khoản 3, 4 và 6 Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012;

+ 03 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

- Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng:

+ 01 năm, kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012;

+ 06 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012;

- Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là 01 năm, kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 94 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

Lưu ý: Trong các thời hạn trên mà cá nhân cố tình trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì thời hiệu được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

(Khoản 2 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, điểm b, c khoản 4 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020)

4. Thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, cụ thể:

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi người vi phạm cư trú;

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định đặt trụ sở;

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát hiện người từ đủ 18 tuổi trở lên có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy lần cuối, không có nơi cư trú ổn định.

- Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

(Điều 105 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, khoản 1 Điều 7 Nghị định 120/2021/NĐ-CP)

5. Cấp giấy chứng nhận cho người đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính

- Khi người vi phạm đã chấp hành xong quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã cấp giấy chứng nhận cho người đã chấp hành xong và gửi bản sao cho gia đình người đó.

- Khi người vi phạm đã chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc, Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc cấp giấy chứng nhận cho người đã chấp hành xong và gửi bản sao cho gia đình người đó, Tòa án nhân dân cấp huyện nơi đã ra quyết định, cơ quan quản lý trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú.

- Đối tượng không xác định được nơi cư trú là người chưa thành niên hoặc người ốm yếu không còn khả năng lao động thì sau khi hết hạn chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được đưa về cơ sở bảo trợ xã hội tại địa phương nơi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc đóng trụ sở.

(Điều 114 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012)

Diễm My

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 25,892

Bài viết về

lĩnh vực Vi phạm hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn