Điều kiện, mức hỗ trợ học nghề cho bộ đội xuất ngũ

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
04/03/2022 09:44 AM

Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an nếu đáp ứng đủ điều kiện luật định sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ học nghề. Vậy đó là những điều kiện gì và mức hỗ trợ học nghề được quy định như thế nào?

Điều kiện, mức hỗ trợ học nghề cho bộ đội xuất ngũ

Điều kiện, mức hỗ trợ học nghề cho bộ đội xuất ngũ (Ảnh minh họa)

1. Điều kiện hỗ trợ học nghề cho bội đội xuất ngũ

Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an (sau đây gọi là bộ đội xuất ngũ) được hỗ trợ học nghề nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Có nhu cầu đào tạo nghề trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

- Chưa được hỗ trợ đào tạo nghề từ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề khác có sử dụng nguồn kinh phí của ngân sách nhà nước kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an.

(Điều 15 Nghị định 61/2015/NĐ-CP)

2. Mức hỗ trợ học nghề cho bộ đội xuất ngũ

- Bộ đội xuất ngũ tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng được hỗ trợ:

+ Miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn;

+ Vay vốn để tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng theo quy định của chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

- Bộ đội xuất ngũ tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp được cấp thẻ đào tạo nghề có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm đào tạo nghề và có giá trị sử dụng trong 01 năm kể từ ngày cấp. Mức hỗ trợ trong trường hợp này như sau:

+ Chi hỗ trợ đào tạo quy định tại Điều 10 Thông tư 152/2016/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng;

+ Chi hỗ trợ tiền ăn, đi lại:

Mức hỗ trợ tiền ăn: 30.000 đồng/người/ngày thực học;

Mức hỗ trợ tiền đi lại: 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên;

Riêng đối với người khuyết tật và người học cư trú ở xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ: mức hỗ trợ tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5 km trở lên

Ưu tiên các nội dung chi hỗ trợ đào tạo trong giá trị tối đa của Thẻ, giá trị còn lại của Thẻ (nếu có) chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại.

+ Trường hợp tổng chi hỗ trợ đào tạo và chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại vượt quá giá trị tối đa của Thẻ thì người học tự chi trả phần kinh phí chênh lệch cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trường hợp tổng chi hỗ trợ đào tạo và chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại thấp hơn giá trị tối đa của Thẻ thì ngân sách nhà nước quyết toán số chi thực tế.

+ Trong thời gian đào tạo nghề, nếu thanh niên thôi học (không tiếp tục học cho đến khi tốt nghiệp) thì cơ sở giáo dục nghề nghiệp lập biên bản hoặc ban hành quyết định và được quyết toán chi phí hỗ trợ đào tạo và hỗ trợ tiền ăn kể từ ngày khai giảng đến ngày thanh niên đó thôi học.

(Điều 16 Nghị định 61/2015/NĐ-CP, Điều 3 Thông tư 43/2016/TTBLĐTBXH)

Diễm My

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 13,112

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn