Hướng dẫn Luật Xây dựng sửa đổi 2020 về thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
22/09/2020 13:50 PM

Chính phủ ban hành Nghị định 113/2020/NĐ-CP quy định chi tiết điểm đ khoản 3 Điều 3 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 về công tác thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và miễn giấy phép xây dựng.

Hướng dẫn Luật Xây dựng sửa đổi về thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở

ng dn Lut Xây dng sa đi v thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở (Ảnh minh họa)

Theo đó, thẩm quyền, nội dung, quy trình thẩm định hoặc thẩm định điều chỉnh thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở (sau đây gọi tắt là thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở) và đánh giá điều kiện cấp phép xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 3 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 được quy định như sau:

(1) Thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định tại khoản 9, 10 và 11 Điều 1 Nghị định 42/2017/NĐ-CP.

(2) Hồ sơ trình thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và đánh giá điều kiện cấp phép xây dựng bao gồm:

- Hồ sơ theo quy định tại Điều 29 Nghị định 59/2015/NĐ-CP (2.1);

- Giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp giấy phép xây dựng theo quy định tại Điều 3 Nghị định 53/2017/NĐ-CP (2.2);

- Văn bản theo yêu cầu tại điểm b khoản 3, điểm b khoản 5, điểm b khoản 6 Điều 95; khoản 4 Điều 96 Luật Xây dựng 2014 (nếu có) (2.3).

(3) Cơ quan chuyên môn về xây dựng có thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo quy định tại (1) (sau đây gọi tắt là cơ quan thẩm định) có trách nhiệm chủ trì thẩm định các nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định 59/2015/NĐ-CP;

Gửi văn bản xin ý kiến phối hợp đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng công trình theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 113/2020/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là cơ quan cấp phép xây dựng) về nội dung đánh giá việc đáp ứng các điều kiện cấp phép xây dựng của công trình xây dựng theo quy định tại các Điều 91, 92 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi, bổ sung tại Luật Kiến trúc 2019 và kiểm tra thực địa theo quy định khoản 1 Điều 102 Luật Xây dựng 2014;

Tổng hợp kết quả thẩm định và ý kiến xác nhận của cơ quan cấp phép xây dựng để kết luận về điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng và miễn giấy phép xây dựng cho công trình.

(4) Thời gian thẩm định và rà soát điều kiện cấp phép là thời gian thẩm định theo quy định tại khoản 8 Điều 30 Nghị định 59/2015/NĐ-CP và thời gian thực hiện song song việc có ý kiến phối hợp của cơ quan cấp phép, tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại (2), cụ thể như sau:

- Không quá 45 ngày đối với công trình xây dựng cấp I, cấp đặc biệt;

- Không quá 35 ngày đối với công trình cấp II và cấp III;

- Không quá 25 ngày đối với các công trình còn lại.

(5) Quy trình thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và đánh giá điều kiện cấp phép xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Nghị định 59/2015/NĐ-CP, khoản 12 Điều 1 Nghị định 42/2017/NĐ-CP và bổ sung các nội dung sau:

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ trình thẩm định, cơ quan thẩm định có trách nhiệm xem xét, có văn bản yêu cầu chủ đầu tư nộp bổ sung hồ sơ trình thẩm định nêu tại (2) (nếu cần) để làm cơ sở thực hiện thẩm định.

Việc thẩm định chỉ được thực hiện khi cơ quan thẩm định nhận đủ các hồ sơ theo quy định tại 2.1 của (2). Riêng đối với hồ sơ quy định tại 2.2, 2.3 của (2), chủ đầu tư được nộp bổ sung trong quá trình thẩm định của cơ quan thẩm định;

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ trình thẩm định theo quy định tại 2.2, 2.3 của (2), cơ quan thẩm định có trách nhiệm gửi văn bản kèm các hồ sơ có liên quan đến cơ quan cấp phép xây dựng công trình để lấy ý kiến xác nhận về điều kiện cấp phép xây dựng của công trình xây dựng, nội dung lấy ý kiến và hồ sơ gửi kèm theo quy định tại Phụ lục I Nghị định 113/2020/NĐ-CP. Trường hợp cơ quan thẩm định đồng thời là cơ quan cấp phép xây dựng, cơ quan này thực hiện toàn bộ các nội dung quy định tại (3);

- Sau khi nhận được văn bản xin ý kiến phối hợp của cơ quan thẩm định, cơ quan cấp phép xây dựng thực hiện việc kiểm tra thực địa về mặt bằng xây dựng công trình và hiện trạng thi công xây dựng của công trình, có văn bản xác nhận gửi cơ quan chuyên môn về xây dựng theo nội dung yêu cầu trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến phối hợp;

- Sau khi nhận được ý kiến của cơ quan cấp phép xây dựng, cơ quan thẩm định tổng hợp kết quả thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở và kết luận về điều kiện cấp phép xây dựng công trình; thông báo Kết quả thẩm định thiết kế xây dựng công trình triển khai sau thiết kế cơ sở và miễn giấy phép xây dựng theo Phụ lục II của Nghị định 113/2020/NĐ-CP, kết quả thực hiện thủ tục cần được gửi đồng thời đến cơ quan cấp phép xây dựng để theo dõi, quản lý việc thực hiện đầu tư xây dựng;

- Trường hợp đến thời hạn phải hoàn thành công tác thẩm định theo quy định tại khoản 8 Điều 30 Nghị định 59/2015/NĐ-CP mà chủ đầu tư chưa nộp bổ sung văn bản theo quy định tại 2.2, 2.3 của (2), cơ quan thẩm định thông báo kết quả thẩm định theo các nội dung thẩm định quy định tại Điều 83 Luật Xây dựng 2014.

Đối với hồ sơ thiết kế xây dựng đủ điều kiện phê duyệt, tại văn bản thông báo kết quả thẩm định, cơ quan thẩm định yêu cầu chủ đầu tư gửi bổ sung văn bản đến cơ quan cấp phép xây dựng để được rà soát, đánh giá các điều kiện cấp phép theo quy định tại (3) để được miễn giấy phép xây dựng.

Trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ của chủ đầu tư, cơ quan cấp phép xây dựng thông báo kết quả đánh giá điều kiện cấp phép xây dựng theo Phụ lục III của Nghị định 113/2020/NĐ-CP.

(6) Đối với công trình xây dựng thuộc đối tượng có yêu cầu thẩm định dự toán xây dựng theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 82 Luật Xây dựng 2014, việc thẩm định dự toán xây dựng thực hiện theo quy định tại Nghị định 59/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 42/2017/NĐ-CP và các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

(7) Đối với công trình xây dựng đã được cấp phép xây dựng và có yêu cầu thẩm định điều chỉnh thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, trường hợp không làm thay đổi mục đích sử dụng đất và mục tiêu của dự án, nội dung văn bản xin ý kiến cơ quan cấp phép chỉ bao gồm nội dung kiểm tra về tình trạng thi công của công trình và nội dung liên quan đến việc điều chỉnh (nếu có), không yêu cầu rà soát, đánh giá các hồ sơ quy định tại 2.2, 2.3 của (2).

Công trình xây dựng sau khi được thực hiện thẩm định điều chỉnh thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo quy định của Nghị định 113/2020/NĐ-CP thì không yêu cầu điều chỉnh giấy phép xây dựng.

Nghị định 113/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 18/9/2020 đến hết ngày 31/12/2020.

Châu Thanh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 32,298

Bài viết về

lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn