Hướng dẫn áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ trong Bộ luật Hình sự

20/09/2019 15:24 PM

Công văn 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử, trong đó hướng dẫn áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể:

- Về áp dụng tình tiết giảm nhẹ khác tại khoản 2 Điều 51 BLHS 2015

Hiện nay, quy định về tình tiết giảm nhẹ khác tại khoản 2 Điều 51 BLHS 2015 chưa được HĐTP TANDTC hướng dẫn cụ thể.

Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, Tòa án có thể tham khảo quy định tại điểm c mục 5 Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/8/2000 để xác định tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ.

Ngoài ra, khi xét xử, tuỳ từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh cụ thể của người phạm tội mà còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

- Về áp dụng tình tiết giảm nhẹ "Người phạm tội là phụ nữ có thai" tại điểm n khoản 1 Điều 51 BLHS 2015

Không phân biệt người phạm tội là phụ nữ có thai tại thời điểm phạm tội hay trong quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, trường hợp sau khi bị khởi tố, bị cáo mới có thai thì Tòa án vẫn áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội là phụ nữ có thai” đối với bị cáo.

- Về áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại điểm t và điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS 2015:

Tình tiết "Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án" và tình tiết "Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” là 02 tình tiết độc lập quy định tại điểm t và điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS 2015, trong đó:

Tình tiết “Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án” được hiểu là trường hợp người phạm tội có những hành vi, lời khai thể hiện sự hợp tác tích cực với cơ quan có trách nhiệm trong việc nhanh chóng làm sáng tỏ vụ án, giúp các cơ quan này phát hiện thêm tội phạm mới hoặc đồng phạm mới.

Tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” được hiểu là trường hợp người phạm tội thành khẩn khai nhận về hành vi phạm tội của mình, ăn năn hối lỗi về việc mình đã gây ra.

Xem chi tiết hướng dẫn tại Công văn 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019.

Châu Thanh

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 102,687

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn