Vì sao đổi 100 USD, tiệm vàng mang họa?

28/04/2014 08:36 AM

Theo Báo Thanh Niên, đến chiều 25.4, Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) vẫn đang tạm giữ hơn 14.000 USD và niêm phong 559 lượng vàng SJC của tiệm vàng Hoàng Mai (số 384 đường Bùi Hữu Nghĩa, phường 2, quận Bình Thạnh).


Tiệm vàng Hoàng Mai

Trước đó, hồi 13 giờ ngày 24.4, Công an quận Bình Thạnh bất ngờ kiểm tra tiệm vàng Hoàng Mai và phát hiện một người đàn ông vào đổi 100 USD ra tiền Việt. Theo phía công an quận Bình Thạnh, việc đổi ngoại tệ này tại tiệm vàng là vi phạm pháp luật, công an đã lập biên bản khám xét tiệm vàng Hoàng Mai.

Theo Điều 3 - Địa điểm đặt đại lý đổi ngoại tệ - Quy chế đại lý đổi ngoại tệ ban hành kèm theo Quyết định số 21/2008/QĐ-NHNN  ngày 11 tháng 7 năm 2008

“1. Cơ sở lưu trú du lịch (bao gồm các khách sạn, các khu nghỉ dưỡng cao cấp v.v…) đã được cơ quan quản lý nhà nước về du lịch xếp hạng từ 3 (ba) sao trở lên;

2. Cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường không, đường thủy);

3. Khu vui chơi giải trí có thưởng dành riêng cho người nước ngoài;

4. Văn phòng bán vé của các hãng hàng không, hàng hải, du lịch của nước ngoài và văn phòng bán vé quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam;

5. Khu du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị có nhiều khách nước ngoài tham quan, mua sắm.”

Như vậy, cá nhân, tổ chức chỉ được phép thu đổi ngoại tệ tại chi nhánh hoặc phòng giao dịch của các ngân hàng và các địa điểm quy định tại Điều 3 (nêu trên) trong đó không bao gồm tiệm vàng. Vì vậy, nếu tiệm vàng không được cấp phép mà vẫn tiến hành thu đổi ngoại tệ, dù 100 USD hoặc ít hơn, vẫn sai quy định của pháp luật. Tiệm vàng sẽ bị xử phạt hành chính.

Hiện nay ở TP.HCM, nếu trừ đi các ngân hàng, có 73 điểm được cấp phép thu đổi ngoại tệ, chủ yếu là ở sân bay, hải cảng và khách sạn từ 3 sao trở lên. Rất ít tiệm vàng được cấp phép đổi ngoại tệ, chỉ 1 - 2 tiệm nằm ở trung tâm thành phố. Ở quận Bình Thạnh chỉ có tiệm vàng Mi Hồng được cấp phép. Tuy nhiên, việc nhận biết chính xác điểm thu đổi ngoại tệ thường khó khăn hơn do bảng hiệu nhỏ, nằm trong các công ty, văn phòng dịch vụ theo quy chuẩn và tâm lý người dân ngại ra vào có khi chỉ vì gửi xe phức tạp.

Về phía công an theo quy định tại Điều141 Bộ luật tố tụng hình sự, trong trường hợp không thể trì hoãn, thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra được quyền ký lệnh khám xét. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi khám xong, người ra lệnh khám phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp.

Như vậy, lệnh khám xét tiệm vàng của công an Quận Bình Thạnh do ai ký? Chủ tịch UBND quận đã ký biên bản gì? Rõ ràng, đối với một vi phạm mang tính chất hành chính, việc khám xét và tịch thu tang vật chắc chắn phải có lý do nào khác. Dư luận phải chờ xem những trả lời cụ thể hơn từ phía công an Quận Bình Thạnh.

Từ tháng 11-2011, Nghị định số 95/2011/NĐ-CP  sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định mức phạt với mua bán, thanh toán ngoại tệ không đúng quy định từ 50-100 triệu đồng và áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật. Trong khi đó, với trường hợp thực hiện dịch vụ kiều hối mà không được cấp có thẩm quyền cấp phép, tổ chức, cá nhân vi phạm bị phạt từ 300-500 triệu đồng nhưng không tịch thu tang vật.

Tuyết Nhung

Theo congluan.vn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 23,703

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn