Người khai hải quan bao gồm những ai?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
08/05/2023 09:00 AM

Cho tôi hỏi theo quy định hiện nay thì những đối tượng nào phải thực hiện việc khai hải quan? - Quốc Bình (Tây Ninh)

Người khai hải quan bao gồm những ai?

Người khai hải quan bao gồm những ai? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau

1. Người khai hải quan bao gồm những ai?

Theo Điều 5 Nghị định 08/2015/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP) quy định về người khai hải quan bao gồm:

- Chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Trường hợp chủ hàng hóa là thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam thì phải thực hiện thủ tục hải quan thông qua đại lý làm thủ tục hải quan.

- Chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh hoặc người được chủ phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh ủy quyền.

- Người được chủ hàng hóa ủy quyền trong trường hợp hàng hóa là quà biếu, quà tặng của cá nhân; hành lý gửi trước, gửi sau chuyến đi của người xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa nhập khẩu để thực hiện dự án đầu tư miễn thuế.

- Người thực hiện dịch vụ quá cảnh hàng hóa, trung chuyển hàng hóa.

- Đại lý làm thủ tục hải quan.

- Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế trừ trường hợp chủ hàng có yêu cầu khác.

2. Đối tượng phải làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan

Đối tượng phải làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan theo Điều 6 Nghị định 08/2015/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP) như sau:

- Đối tượng phải làm thủ tục hải quan:

+ Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt, công cụ chuyển nhượng, vàng, kim loại quý, đá quý, sản phẩm văn hóa, di vật, cổ vật, bảo vật, bưu phẩm, bưu kiện xuất khẩu, nhập khẩu; 

Hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; các vật phẩm khác xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, trong địa bàn hoạt động của cơ quan hải quan;

+ Phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa, đường sông xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

- Đối tượng chịu sự kiểm tra hải quan:

+ Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 08/2015/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP) ;

+ Vật dụng trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh;

+ Hồ sơ hải quan và các chứng từ liên quan đến đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 08/2015/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP).

- Đối tượng chịu sự giám sát hải quan:

+ Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 08/2015/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP);

+ Vật dụng trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh;

+ Hàng hóa, phương tiện vận tải trong địa bàn hoạt động hải quan; hàng hóa là máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu đang lưu giữ tại các cơ sở sản xuất của tổ chức, cá nhân;

+ Hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành được đưa về bảo quản chờ thông quan;

+ Hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan.

3. Quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan

Quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan theo Điều 18 Luật Hải quan 2014 như sau:

- Người khai hải quan có quyền:

+ Được cơ quan hải quan cung cấp thông tin liên quan đến việc khai hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải, hướng dẫn làm thủ tục hải quan, phổ biến pháp luật về hải quan;

+ Yêu cầu cơ quan hải quan xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hóa khi đã cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cho cơ quan hải quan;

+ Xem trước hàng hóa, lấy mẫu hàng hóa dưới sự giám sát của công chức hải quan trước khi khai hải quan để bảo đảm việc khai hải quan được chính xác;

+ Yêu cầu cơ quan hải quan kiểm tra lại thực tế hàng hóa đã kiểm tra, nếu không đồng ý với quyết định của cơ quan hải quan trong trường hợp hàng hóa chưa được thông quan;

+ Sử dụng hồ sơ hải quan để thông quan hàng hóa, vận chuyển hàng hóa, thực hiện các thủ tục có liên quan với các cơ quan khác theo quy định của pháp luật;

+ Khiếu nại, tố cáo hành vi trái pháp luật của cơ quan hải quan, công chức hải quan;

+ Yêu cầu bồi thường thiệt hại do cơ quan hải quan, công chức hải quan gây ra theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

- Người khai hải quan là chủ hàng hóa, chủ phương tiện vận tải có nghĩa vụ:

+ Khai hải quan và làm thủ tục hải quan theo quy định;

+ Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin để cơ quan hải quan thực hiện xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hóa;

+ Chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự xác thực của nội dung đã khai và các chứng từ đã nộp, xuất trình; về sự thống nhất nội dung thông tin giữa hồ sơ lưu tại doanh nghiệp với hồ sơ lưu tại cơ quan hải quan;

+ Thực hiện quyết định và yêu cầu của cơ quan hải quan, công chức hải quan trong việc làm thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải;

+ Lưu giữ hồ sơ hải quan đối với hàng hóa đã được thông quan trong thời hạn 05 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; 

Lưu giữ sổ sách, chứng từ kế toán và các chứng từ khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan trong thời hạn do pháp luật quy định; xuất trình hồ sơ, cung cấp thông tin, chứng từ liên quan khi cơ quan hải quan yêu cầu kiểm tra theo quy định tại các Điều 32, 79 và 80 Luật Hải quan 2014;

+ Bố trí người, phương tiện thực hiện các công việc liên quan để công chức hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải;

+ Nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Người khai hải quan là đại lý làm thủ tục hải quan, người khác được chủ hàng hóa, chủ phương tiện vận tải ủy quyền thực hiện nghĩa vụ quy định tại các điểm a, b, c, d, e và g khoản 2 Điều 18 Luật Hải quan 2014 trong phạm vi được ủy quyền. 

Người khai hải quan là người điều khiển phương tiện vận tải thực hiện nghĩa vụ quy định tại các điểm a, c, d, e và g khoản 2 Điều 18 Luật Hải quan 2014.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 11,779

Bài viết về

lĩnh vực Xuất nhập khẩu

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn