Kiểm kê tài sản là gì? Trường hợp đơn vị kế toán phải kiểm kê tài sản

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
08/04/2023 16:07 PM

Kiểm kê tài sản là gì? Trường hợp nào đơn vị kế toán phải kiểm kê tài sản? – Xuân Bảo (Trà Vinh)

Kiểm kê tài sản là gì? Trường hợp đơn vị kế toán phải kiểm kê tài sản

Kiểm kê tài sản là gì? Trường hợp đơn vị kế toán phải kiểm kê tài sản (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Kiểm kê tài sản là gì?

Kiểm kê tài sản là việc cân, đong, đo, đếm số lượng; xác nhận và đánh giá chất lượng, giá trị của tài sản, nguồn vốn hiện có tại thời điểm kiểm kê để kiểm tra, đối chiếu với số liệu trong sổ kế toán.

(Khoản 1 Điều 40 Luật Kế toán 2015)

2. Trường hợp đơn vị kế toán phải kiểm kê tài sản

Đơn vị kế toán phải kiểm kê tài sản trong các trường hợp sau đây:

- Cuối kỳ kế toán năm;

- Đơn vị kế toán bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, chấm dứt hoạt động, phá sản hoặc bán, cho thuê;

- Đơn vị kế toán được chuyển đổi loại hình hoặc hình thức sở hữu;

- Xảy ra hỏa hoạn, lũ lụt và các thiệt hại bất thường khác;

- Đánh giá lại tài sản theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Sau khi kiểm kê tài sản, đơn vị kế toán phải lập báo cáo tổng hợp kết quả kiểm kê. Trường hợp có chênh lệch giữa số liệu thực tế kiểm kê với số liệu ghi trên sổ kế toán, đơn vị kế toán phải xác định nguyên nhân và phải phản ánh số chênh lệch, kết quả xử lý vào sổ kế toán trước khi lập báo cáo tài chính.

Việc kiểm kê phải phản ánh đúng thực tế tài sản, nguồn hình thành tài sản. Người lập và ký báo cáo tổng hợp kết quả kiểm kê phải chịu trách nhiệm về kết quả kiểm kê.

(Khoản 2 Điều 40 Luật Kế toán 2015)

3. Các công việc kế toán liên quan đến kiểm kê tài sản

- Công việc kế toán trong trường hợp chia đơn vị kế toán:

Đơn vị kế toán bị chia thành các đơn vị kế toán mới phải thực hiện các công việc sau đây:

+ Khóa sổ kế toán, kiểm kê tài sản, xác định nợ chưa thanh toán, lập báo cáo tài chính;

+ Phân chia tài sản, nợ chưa thanh toán, lập biên bản bàn giao và ghi sổ kế toán theo biên bản bàn giao;

+ Bàn giao tài liệu kế toán liên quan đến tài sản, nợ chưa thanh toán cho các đơn vị kế toán mới.

- Công việc kế toán trong trường hợp tách đơn vị kế toán:

Đơn vị kế toán bị tách một bộ phận để thành lập đơn vị kế toán mới phải thực hiện các công việc sau đây:

+ Kiểm kê tài sản, xác định nợ chưa thanh toán của bộ phận được tách;

+ Bàn giao tài sản, nợ chưa thanh toán của bộ phận được tách, lập biên bản bàn giao và ghi sổ kế toán theo biên bản bàn giao;

+ Bàn giao tài liệu kế toán liên quan đến tài sản, nợ chưa thanh toán cho đơn vị kế toán mới; đối với tài liệu kế toán không bàn giao thì đơn vị kế toán bị tách lưu trữ theo quy định tại Điều 41 Luật Kế toán 2015.

- Công việc kế toán trong trường hợp hợp nhất các đơn vị kế toán:

Các đơn vị kế toán bị hợp nhất thành đơn vị kế toán mới thì từng đơn vị kế toán bị hợp nhất phải thực hiện các công việc sau đây:

+ Khóa sổ kế toán, kiểm kê tài sản, xác định nợ chưa thanh toán, lập báo cáo tài chính;

+ Bàn giao toàn bộ tài sản, nợ chưa thanh toán, lập biên bản bàn giao và ghi sổ kế toán theo biên bản bàn giao;

+ Bàn giao toàn bộ tài liệu kế toán cho đơn vị kế toán hợp nhất.

- Công việc kế toán trong trường hợp sáp nhập đơn vị kế toán:

Đơn vị kế toán bị sáp nhập vào đơn vị kế toán khác phải thực hiện các công việc sau đây:

+ Khóa sổ kế toán, kiểm kê tài sản, xác định nợ chưa thanh toán, lập báo cáo tài chính;

+ Bàn giao toàn bộ tài sản, nợ chưa thanh toán, lập biên bản bàn giao và ghi sổ kế toán theo biên bản bàn giao;

+ Bàn giao toàn bộ tài liệu kế toán cho đơn vị kế toán nhận sáp nhập.

- Công việc kế toán trong trường hợp chuyển đổi loại hình hoặc hình thức sở hữu:

Đơn vị kế toán được chuyển đổi loại hình hoặc hình thức sở hữu phải thực hiện các công việc sau đây:

+ Khóa sổ kế toán, kiểm kê tài sản, xác định nợ chưa thanh toán, lập báo cáo tài chính;

+ Bàn giao toàn bộ tài sản, nợ chưa thanh toán, lập biên bản bàn giao và ghi sổ kế toán theo biên bản bàn giao;

+ Bàn giao toàn bộ tài liệu kế toán cho đơn vị kế toán sau chuyển đổi.

- Đơn vị kế toán bị giải thể hoặc chấm dứt hoạt động phải thực hiện các công việc sau đây:

+ Khóa sổ kế toán, kiểm kê tài sản, xác định nợ chưa thanh toán, lập báo cáo tài chính;

+ Mở sổ kế toán theo dõi các nghiệp vụ kinh tế, tài chính liên quan đến việc giải thể, chấm dứt hoạt động;

+ Bàn giao toàn bộ tài liệu kế toán của đơn vị kế toán bị giải thể hoặc chấm dứt hoạt động sau khi xử lý xong cho đơn vị kế toán cấp trên hoặc tổ chức, cá nhân lưu trữ theo quy định tại Điều 41 Luật Kế toán 2015.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 9,637

Bài viết về

lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn