Các khoản điều chỉnh trừ khi xác định trị giá hải quan

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
31/03/2023 08:00 AM

Trị giá hải quan là gì? Và các khoản điều chỉnh trừ khi xác định trị giá hải quan gồm những khoản nào? - Ngọc Ly (TPHCM)

Các khoản điều chỉnh trừ khi xác định trị giá hải quan

Các khoản điều chỉnh trừ khi xác định trị giá hải quan (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Trị giá hải quan là gì?

Theo khoản 24 Điều 4 Luật Hải quan 2014 thì trị giá hải quan là trị giá của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ cho mục đích tính thuế, thống kê hải quan.

2. Điều kiện với các khoản điều chỉnh trừ khi xác định trị giá hải quan

Theo khoản 1 Điều 15 Thông tư 39/2015/TT-BTC thì chỉ được điều chỉnh trừ nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Có số liệu khách quan, định lượng được phù hợp với các chứng từ hợp pháp liên quan và có sẵn tại thời điểm xác định trị giá;

- Đã được tính trong giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán;

- Phù hợp với quy định của pháp luật về kế toán Việt Nam.

3. Các khoản điều chỉnh trừ khi xác định trị giá hải quan

Các khoản điều chỉnh trừ khi xác định trị giá hải quan theo khoản 2 Điều 15 Thông tư 39/2015/TT-BTC gồm:

(1) Chi phí cho những hoạt động phát sinh sau khi nhập khẩu hàng hóa bao gồm các chi phí về xây dựng, kiến trúc, lắp đặt, bảo dưỡng hoặc trợ giúp kỹ thuật, tư vấn kỹ thuật, chi phí giám sát và các chi phí tương tự;

(2) Chi phí vận tải, bảo hiểm phát sinh sau khi hàng hóa đã được vận chuyển đến cửa khẩu nhập đầu tiên. Trường hợp các chi phí này liên quan đến nhiều loại hàng hóa khác nhau nhưng chưa được ghi chi tiết cho từng loại hàng hóa thì phải phân bổ các chi phí theo nguyên tắc nêu tại điểm g và điểm h Điều 13 Thông tư 39/2015/TT-BTC.

(3) Các khoản thuế, phí, lệ phí phải nộp ở Việt Nam đã nằm trong giá mua hàng nhập khẩu. Trường hợp các khoản phí, lệ phí liên quan đến nhiều loại hàng hóa khác nhau mà không tách riêng cho từng loại hàng hóa thì phân bổ theo tỷ lệ trị giá mua của từng loại hàng hóa.

(4) Khoản giảm giá:

-  Chỉ được điều chỉnh trừ khi có đủ các điều kiện sau:

+ Khoản giảm giá thuộc một trong các loại giảm giá sau đây:

++ Giảm giá theo cấp độ thương mại của giao dịch mua bán hàng hóa;

++ Giảm giá theo số lượng hàng hóa mua bán;

++ Giảm giá theo hình thức và thời gian thanh toán.

+ Khoản giảm giá được lập thành văn bản trước khi xếp hàng lên phương tiện vận tải ở nước xuất khẩu hàng hóa;

+ Có số liệu khách quan, định lượng được phù hợp với các chứng từ để tách khoản giảm giá này ra khỏi trị giá giao dịch. Các chứng từ này được nộp cùng với tờ khai hải quan;

+ Thực hiện thanh toán qua ngân hàng bằng phương thức L/C hoặc TTR cho toàn bộ hàng hóa nhập khẩu thuộc hợp đồng mua bán.

+ Trị giá khai báo và thực tế về số lượng hàng hóa nhập khẩu, cấp độ thương mại, hình thức và thời gian thanh toán phải phù hợp với Bảng công bố giảm giá của người bán.

- Hồ sơ đề nghị xét khoản giảm giá:

+ Văn bản đề nghị trừ khoản giảm giá sau khi hoàn thành việc nhập khẩu và thanh toán cho toàn bộ hàng hóa thuộc hợp đồng: 01 bản chính;

+ Hợp đồng mua bán hàng hóa: 01 bản chụp;

+ Bảng kê theo dõi thực tế việc nhập khẩu hàng hóa theo mẫu số 01/GG/2015 Phụ lục II Thông tư 39/2015/TT-BTC đối với trường hợp hàng hóa trong cùng một hợp đồng được nhập khẩu theo nhiều chuyến (nhiều tờ khai) khác nhau: 01 bản chính;

Mẫu số 01/GG/2015

+ Bảng công bố giảm giá của người bán: 01 bản chụp;

+ Chứng từ thanh toán của toàn bộ hàng hóa thuộc hợp đồng mua bán: 01 bản chụp;

- Thủ tục khai báo, kiểm tra khoản giảm giá, thẩm quyền xử lý:

+ Trách nhiệm của người khai hải quan:

++ Khai báo có khoản giảm giá tại tiêu chí “chi tiết khai trị giá” trên tờ khai nhập khẩu hoặc tại tiêu chí tương ứng trên tờ khai trị giá hải quan, nhưng chưa thực hiện điều chỉnh trừ khoản giảm giá trên tờ khai trị giá hải quan.

++ Tính, nộp thuế theo trị giá chưa được trừ khoản giảm giá;

++ Nộp hồ sơ đề nghị xét khoản giảm giá theo quy định tại điểm d.2 khoản 1 Điều 15 Thông tư 39/2015/TT-BTC sau khi hoàn thành việc nhập khẩu và thanh toán cho toàn bộ hàng hóa thuộc hợp đồng mua bán.

+ Trách nhiệm của cơ quan hải quan:

Cơ quan hải quan nơi người khai hải quan nộp hồ sơ đề nghị xem xét điều chỉnh trừ khoản giảm giá thực hiện:

++ Kiểm tra hồ sơ, chứng từ và các tài liệu có liên quan kèm theo văn bản đề nghị của người khai hải quan;

++ Kiểm tra, đối chiếu trị giá khai báo và thực tế về số lượng; cấp độ thương mại; hình thức và thời gian thanh toán với Bảng công bố giảm giá của người bán;

++ Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố xem xét, quyết định điều chỉnh trừ khoản giảm giá nếu có đầy đủ các điều kiện quy định tại điểm d.1 khoản 1 Điều 15 Thông tư 39/2015/TT-BTC với trị giá của khoản giảm giá dưới 5% tổng trị giá lô hàng và trị giá khai báo không thấp hơn mức giá tham chiếu của hàng hóa giống hệt tại Danh mục hàng hóa nhập khẩu rủi ro về trị giá. 

Các trường hợp giảm giá khác, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xem xét, quyết định;

+ Xử lý tiền thuế chênh lệch do khoản giảm giá được trừ thực hiện theo quy định.

(5) Các chi phí do người mua chịu liên quan đến tiếp thị hàng hóa nhập khẩu, bao gồm:

- Chi phí nghiên cứu, điều tra thị trường về sản phẩm sắp nhập khẩu;

- Chi phí quảng cáo nhãn hiệu, thương hiệu hàng nhập khẩu;

- Chi phí liên quan đến việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm mới nhập khẩu;

- Chi phí tham gia hội chợ, triển lãm thương mại về sản phẩm mới;

(6) Chi phí kiểm tra số lượng, chất lượng hàng trước khi nhập khẩu. Trường hợp các chi phí này là thỏa thuận giữa người mua, người bán và là một phần trong giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán do người mua trả cho người bán, sẽ không được trừ ra khỏi trị giá giao dịch;

(7) Chi phí mở L/C, phí chuyển tiền để thanh toán cho lô hàng nhập khẩu, nếu chi phí này do người mua trả cho ngân hàng đại diện cho người mua thực hiện việc thanh toán tiền hàng.

(8) Khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất theo thỏa thuận tài chính của người mua và có liên quan đến việc mua hàng hóa nhập khẩu: Chỉ được điều chỉnh trừ khoản tiền lãi ra khỏi trị giá giao dịch khi có đầy đủ các điều kiện sau:

- Thỏa thuận tài chính được lập thành văn bản;

- Người khai hải quan chứng minh được rằng tại thời điểm thỏa thuận tài chính được thực hiện, mức lãi suất khai báo không lớn hơn mức lãi suất tín dụng thông thường tại nước xuất khẩu, nhưng không vượt quá mức lãi suất trần do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 15,175

Bài viết về

lĩnh vực Xuất nhập khẩu

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn