Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Như Mai
27/03/2023 17:01 PM

Những hành vi nào bị nghiêm cấm thực hiện trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước? - Kiều Mỹ (Thái Bình)

Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước

Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước (Hình từ Internet)

Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước

Điều 8 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước bao gồm:

- Nghiêm cấm các hành vi sau đây đối với Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán viên nhà nước và cộng tác viên Kiểm toán nhà nước:

+ Sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị được kiểm toán;

+ Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm toán;

+ Đưa, nhận, môi giới hối lộ;

+ Báo cáo sai lệch, không đầy đủ kết quả kiểm toán;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi;

+ Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp của đơn vị được kiểm toán;

+ Tiết lộ thông tin về tình hình và kết quả kiểm toán chưa được công bố chính thức.

- Nghiêm cấm các hành vi sau đây đối với đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán:

+ Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho cuộc kiểm toán theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước;

+ Cản trở công việc của Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước;

+ Báo cáo sai lệch, không trung thực, không đầy đủ, kịp thời hoặc thiếu khách quan thông tin liên quan đến cuộc kiểm toán của Kiểm toán nhà nước;

+ Mua chuộc, đưa hối lộ cho Kiểm toán viên nhà nước và cộng tác viên Kiểm toán nhà nước;

+ Che giấu các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công.

- Nghiêm cấm mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước, cộng tác viên Kiểm toán nhà nước.

2. Các ngạch Kiểm toán viên nhà nước

Theo quy định tại Điều 20 Luật Kiểm toán nhà nước 2015, Kiểm toán viên nhà nước gồm các ngạch sau đây:

- Kiểm toán viên;

- Kiểm toán viên chính;

- Kiểm toán viên cao cấp.

Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước.

3. Tiêu chuẩn chung của Kiểm toán viên nhà nước

Căn cứ quy định tại Điều 21 Luật Kiểm toán nhà nước 2015, Kiểm toán viên nhà nước phải bảo đảm các tiêu chuẩn của công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và các tiêu chuẩn sau đây:

- Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan;

- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành kiểm toán, kế toán, tài chính, ngân hàng, kinh tế, luật hoặc chuyên ngành khác có liên quan trực tiếp đến hoạt động kiểm toán;

- Đã có thời gian làm việc liên tục từ 05 năm trở lên theo chuyên ngành được đào tạo hoặc có thời gian làm nghiệp vụ kiểm toán ở Kiểm toán nhà nước từ 03 năm trở lên, không kể thời gian tập sự;

- Có chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước.

4. Trách nhiệm của Kiểm toán viên nhà nước

Trách nhiệm của Kiểm toán viên nhà nước quy định tại Điều 22 Luật Kiểm toán nhà nước 2015, cụ thể: 

- Thực hiện nhiệm vụ kiểm toán và chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán được phân công; đưa ra ý kiến đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán.

- Tuân thủ pháp luật, nguyên tắc hoạt động, chuẩn mực, quy trình, nghiệp vụ kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và các quy định khác có liên quan của Tổng Kiểm toán nhà nước.

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về những bằng chứng, đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán.

- Thu thập bằng chứng kiểm toán, ghi nhận và lưu giữ tài liệu làm việc của Kiểm toán viên nhà nước theo quy định của Tổng Kiểm toán nhà nước.

- Giữ bí mật thông tin, tài liệu thu thập được trong quá trình kiểm toán.

- Xuất trình thẻ Kiểm toán viên nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.

- Thường xuyên học tập, rèn luyện để nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp; thực hiện chương trình cập nhật kiến thức hằng năm theo quy định của Tổng Kiểm toán nhà nước.

- Báo cáo kịp thời, đầy đủ với người ra quyết định thành lập Đoàn kiểm toán khi có trường hợp quy định tại Điều 28 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 và các tình huống khác làm ảnh hưởng đến tính độc lập của Kiểm toán viên nhà nước.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,830

Bài viết về

lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn