Bị hủy hôn có được đòi lại sính lễ không?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Như Mai
17/03/2023 10:35 AM

Nhà trai bị nhà gái hủy hôn trước ngày cưới thì có được quyền đòi lại sính lễ không? - Trần Nam (Cần Thơ)

Bị hủy hôn có được đòi lại sính lễ không?

Bị hủy hôn có được đòi lại sính lễ không? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Hiện nay, nhiều trường hợp nhà trai, nhà gái hủy hôn sau khi đã trao sính lễ nhưng chưa tổ chức đám cưới. Vậy sau khi trao sính lễ mà hủy hôn thì có được đòi lại sính lễ không?

1. Hủy hôn có được đòi lại sính lễ không?

Ở góc độ văn hóa, việc trao nhận sính lễ trước khi tổ chức đám cưới là một phong tục, tập quán của người Việt Nam. Việc trao, nhận sính lễ được xuất phát từ sự thiện chí của hai bên đối với việc tổ chức đám cưới và hầu hết hiển nhiên có khi hỏi cưới tại Việt Nam.

Tuy nhiên dưới góc độ pháp lý, việc trao và nhận sính lễ giữa nhà trai và nhà gái có thể xem là một hình thức của hợp đồng tặng cho tài sản. Theo quy định tại Điều 457 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên (cụ thể nhà trai và nhà gái), theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận. 

Trong đó, hợp đồng tặng cho tài sản chia làm 02 loại:

– Hợp đồng tặng cho tài sản không có điều kiện:

Điều 457 Bộ luật Dân sự 2015 quy định bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.

– Hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện:

Theo quy định tại Điều 462 Bộ luật Dân sự 2015, bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.

Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên, khi nhà trai tặng sính lễ cho nhà gái trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, không ép buộc và không có điều kiện cụ thể nào, và nhà gái đồng ý nhận thì khi hủy hôn, nhà trai không có quyền đòi lại sính lễ. 

Mặc dù vẫn có trường hợp nhà trai đặt điều kiện sau khi trao sính lễ nhà gái không được hủy hôn, nếu hủy hôn phải trả lại sính lễ thì vẫn được đòi lại sính lễ. Nhưng Luật Hôn nhân và gia đình 2014 nêu rõ kết hôn dựa trên tinh thần tự nguyện của các bên nên nếu các bên không tự nguyện thì không được phép ép buộc.

2. Điều kiện khi tặng cho sính lễ là động sản, bất động sản

Căn cứ Điều 458, 459 Bộ luật Dân sự 2015, việc tặng cho tài sản là động sản, bất động sản được quy định như sau:

- Tặng cho động sản:

+ Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực kể từ thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

+ Đối với động sản mà luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.

- Tặng cho bất động sản:

+ Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.

+ Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.

3. Người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật

Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật bao gồm:

- Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định dưới đây yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

- Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

+ Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;

+ Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

+ Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

+ Hội liên hiệp phụ nữ.

- Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định nêu trên yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,654

Bài viết về

lĩnh vực Hôn nhân gia đình – Thừa kế

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn