Chuyển ngạch công chức là gì? Khi nào chuyển ngạch công chức?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
01/03/2023 14:00 PM

Chuyển ngạch công chức là gì? Và theo quy định thì khi nào sẽ chuyển ngạch công chức? - Văn Linh (Tiền Giang)

Chuyển ngạch công chức là gì? Khi nào chuyển ngạch công chức?

Chuyển ngạch công chức là gì? Khi nào chuyển ngạch công chức? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Công chức là ai?

Theo khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 (sửa đổi 2019) thì công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện;

Trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

2. Chuyển ngạch công chức là gì?

Theo khoản 1 Điều 43 Luật Cán bộ, công chức 2008 thì chuyển ngạch công chức là việc công chức đang giữ ngạch của ngành chuyên môn này được bổ nhiệm sang ngạch của ngành chuyên môn khác có cùng thứ bậc về chuyên môn, nghiệp vụ.

3. Quy định về ngạch công chức và điều kiện bổ nhiệm vào ngạch công chức

Theo Điều 42 Luật Cán bộ, công chức 2008 (sửa đổi 2019) quy định về ngạch công chức và điều kiện bổ nhiệm vào ngạch công chức như sau:

- Ngạch công chức bao gồm:

+ Chuyên viên cao cấp và tương đương;

+ Chuyên viên chính và tương đương;

+ Chuyên viên và tương đương;

+ Cán sự và tương đương;.

+ Nhân viên.

+ Ngạch khác theo quy định của Chính phủ

- Việc bổ nhiệm vào ngạch phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

+ Người được bổ nhiệm có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch;

+ Việc bổ nhiệm vào ngạch phải đúng thẩm quyền và bảo đảm cơ cấu công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị.     

- Việc bổ nhiệm vào ngạch công chức được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

+ Người được tuyển dụng đã hoàn thành chế độ tập sự;

+ Công chức trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch;

+ Công chức chuyển sang ngạch tương đương.

4. Khi nào chuyển ngạch công chức?

Việc chuyển ngạch công chức theo Điều 29 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định như sau:

- Việc chuyển ngạch được thực hiện khi công chức thay đổi vị trí việc làm mà ngạch công chức đang giữ không phù hợp với yêu cầu ngạch công chức của vị trí việc làm mới.

- Người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức căn cứ quy định tại Điều 43 Luật Cán bộ, công chức 2008, đề nghị cơ quan quản lý công chức quyết định chuyển ngạch công chức hoặc quyết định theo thẩm quyền phân cấp.

Điều 43 Luật Cán bộ, công chức 2008 như sau:

- Chuyển ngạch là việc công chức đang giữ ngạch của ngành chuyên môn này được bổ nhiệm sang ngạch của ngành chuyên môn khác có cùng thứ bậc về chuyên môn, nghiệp vụ.

- Công chức được chuyển ngạch phải có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch được chuyển và phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

- Công chức được giao nhiệm vụ không phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch công chức đang giữ thì phải được chuyển ngạch cho phù hợp.

- Không thực hiện nâng ngạch, nâng lương khi chuyển ngạch.

5. Quyền của công chức

Quyền của công chức theo Điều 11, 12, 13 và Điều 14 Luật Cán bộ, công chức 2008 cụ thể như sau:

* Quyền của công chức được bảo đảm các điều kiện thi hành công vụ:

- Được giao quyền tương xứng với nhiệm vụ.

- Được bảo đảm trang thiết bị và các điều kiện làm việc khác theo quy định của pháp luật.

- Được cung cấp thông tin liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

- Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.

- Được pháp luật bảo vệ khi thi hành công vụ.

* Quyền của công chức về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương:

- Được Nhà nước bảo đảm tiền lương tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. 

Công chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc trong các ngành, nghề có môi trường độc hại, nguy hiểm được hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

- Được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.

* Quyền của công chức về nghỉ ngơi:

Công chức được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ để giải quyết việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động. 

Trường hợp do yêu cầu nhiệm vụ, công chức không sử dụng hoặc sử dụng không hết số ngày nghỉ hàng năm thì ngoài tiền lương còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng tiền lương cho những ngày không nghỉ.

* Các quyền khác của cán bộ, công chức:

Công chức được bảo đảm quyền học tập, nghiên cứu khoa học, tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội; được hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở, phương tiện đi lại, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật;

Nếu bị thương hoặc hy sinh trong khi thi hành công vụ thì được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ và các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 12,110

Bài viết về

Cán bộ, công chức, viên chức

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn