Điều kiện ngân hàng thương mại mua, nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
13/02/2023 17:00 PM

Tôi muốn biết để ngân hàng thương mại mua, nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác thì cần phải đáp ứng các điều kiện thế nào? - Lê Khang (Cần Thơ)

Điều kiện ngân hàng thương mại mua, nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác

Điều kiện ngân hàng thương mại mua, nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Ngân hàng thương mại là gì?

Theo khoản 3 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2018), ngân hàng thương mại là loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định Luật Các tổ chức tín dụng nhằm mục tiêu lợi nhuận.

2. Điều kiện ngân hàng thương mại mua, nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác

Tại thời điểm mua, nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác, ngân hàng thương mại phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại khoản 2 Điều 19 Thông tư 22/2019/TT-NHNN, cụ thể như sau:

- Giá trị thực của vốn điều lệ không thấp hơn vốn điều lệ đã đăng ký;

- Đảm bảo các giới hạn và tỷ lệ bảo đảm an toàn quy định tại Thông tư này;

- Có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%;

- Có quy trình xét duyệt, thẩm định, đánh giá rủi ro đối với việc mua, nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác;

- Từng khoản mua, nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác phải được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên thông qua;

- Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động ngân hàng trong thời gian 01 năm trước ngày mua, nắm giữ cổ phiếu;

- Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng quản trị, Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc), Trưởng Ban và thành viên khác của Ban kiểm soát, cổ đông lớn của ngân hàng thương mại, công ty con của ngân hàng thương mại và người có liên quan của những đối tượng này không mua, nắm giữ vốn cổ phần có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng đó;

- Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng quản trị, Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc), Trưởng Ban và thành viên khác của Ban kiểm soát, cổ đông lớn của ngân hàng thương mại, công ty con của ngân hàng thương mại và người có liên quan của những đối tượng này không ủy thác cho tổ chức khác mua, nắm giữ vốn cổ phần có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng đó.

3. Giới hạn mua, nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác

Cụ thể tại khoản 3 Điều 19 Thông tư 22/2019/TT-NHNN, việc ngân hàng thương mại mua, nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác được giới hạn trong khoảng như sau:

(1) Ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu tối đa không quá hai (02) tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức tín dụng khác là công ty con của ngân hàng thương mại đó;

(2) Ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu của một tổ chức tín dụng khác dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng khác đó;

(3) Ngân hàng thương mại không được đề cử người tham gia Hội đồng quản trị tại tổ chức tín dụng mà ngân hàng thương mại đã mua, nắm giữ cổ phiếu, trừ trường hợp tổ chức tín dụng đó là công ty con của ngân hàng thương mại hoặc ngân hàng thương mại là tổ chức tín dụng hỗ trợ được chỉ định tham gia quản trị, kiểm soát, điều hành, hỗ trợ tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt;

(4) Việc mua, nắm giữ cổ phiếu của một tổ chức tín dụng khác vượt quá giới hạn quy định tại (1), (2) hoặc ngân hàng thương mại không đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại mục 2 này được thực hiện trong những trường hợp sau:

(i) Việc mua, nắm giữ cổ phiếu theo phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2018);

(ii) Được Ngân hàng Nhà nước chỉ định theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp ngân hàng thương mại bán cổ phần của tổ chức tín dụng khác theo hình thức trả chậm, ngân hàng thương mại chỉ được chuyển quyền sở hữu đối với số cổ phần tương ứng với số tiền đã được bên mua thanh toán.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,168

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn