Đảng viên dự bị: Có quyền và không có những quyền nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
03/02/2023 18:00 PM

Xin hỏi đối với đảng viên dự bị sẽ có những quyền nào và không có những quyền nào theo quy định? - Hoàng Thiên (Đồng Tháp)

Đảng viên dự bị: Có quyền và không có những quyền nào?

Đảng viên dự bị: Có quyền và không có những quyền nào? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Đảng viên dự bị: Có quyền và không có những quyền nào?

Theo Điều 3 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011 quy định về quyền của đảng viên như sau:

- Được thông tin và thảo luận các vấn đề về Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; biểu quyết công việc của Đảng.

- Ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.

- Phê bình, chất vấn về hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên ở mọi cấp trong phạm vi tổ chức; báo cáo, kiến nghị với các cơ quan có trách nhiệm và yêu cầu được trả lời.

- Trình bày ý kiến khi tổ chức đảng nhận xét, quyết định công tác hoặc thi hành kỷ luật đối với mình.

Đảng viên dự bị có các quyền trên đây, trừ quyền biểu quyết, ứng cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo của Đảng.

Như vậy, đảng viên dự bị có những quyền đã nêu tại mục này và không có quyền biểu quyết, ứng cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo của Đảng.

2. Hồ sơ, thủ tục xét công nhận đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức

Hồ sơ, thủ tục xét công nhận đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức theo Hướng dẫn 01-HD/TW ngày 28/9/2021 như sau:

* Giấy chứng nhận học lớp bồi dưỡng đảng viên mới:

Đảng viên dự bị phải học lớp bồi dưỡng đảng viên mới, được trung tâm chính trị cấp huyện hoặc cấp ủy có thẩm quyền kết nạp đảng viên cấp giấy chứng nhận theo mẫu của Ban Tổ chức Trung ương.

* Bản tự kiểm điểm của đảng viên dự bị:

Sau 12 tháng, kể từ ngày chi bộ kết nạp, đảng viên dự bị viết bản tự kiểm điểm nêu rõ ưu điểm, khuyết điểm về thực hiện nhiệm vụ đảng viên và biện pháp khắc phục khuyết điểm, tồn tại; đề nghị chi bộ xét, công nhận đảng viên chính thức.

* Bản nhận xét về đảng viên dự bị của đảng viên chính thức được phân công giúp đỡ:

Đảng viên được phân công giúp đỡ viết bản nhận xét đảng viên dự bị nêu rõ ưu điểm, khuyết điểm, lập trường tư tưởng, nhận thức về Đảng, đạo đức, lối sống và mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao của đảng viên dự bị; báo cáo chi bộ.

* Bản nhận xét của đoàn thể chính trị - xã hội nơi làm việc và chi ủy nơi cư trú:

Chi ủy có đảng viên dự bị tổng hợp ý kiến nhận xét của đoàn thể chính trị - xã hội mà người đó là thành viên; ý kiến nhận xét của chi ủy hoặc chi bộ (nơi chưa có chi ủy) nơi cư trú đối với đảng viên dự bị để báo cáo chi bộ.

Trường hợp đặc biệt không phải lấy ý kiến nhận xét của chi ủy hoặc chi bộ nơi cư trú đối với đảng viên dự bị thực hiện theo quy định của Ban Bí thư.

* Nghị quyết của chi bộ, đảng ủy cơ sở và quyết định công nhận đảng viên chính thức của cấp ủy có thẩm quyền:

- Nội dung và cách tiến hành của chi bộ, đảng ủy bộ phận (nếu có), đảng ủy cơ sở, cấp có thẩm quyền xét, quyết định công nhận đảng viên chính thức thực hiện theo Điểm 3.6 và 3.7, Mục 3 Hướng dẫn 01-HD/TW ngày 28/9/2021:

+ Nghị quyết của chi bộ và cấp ủy cơ sở xét kết nạp người vào Đảng:

++ Chi bộ (kể cả chi bộ cơ sở) xem xét: Đơn xin vào Đảng; lý lịch của người vào Đảng; văn bản giới thiệu của đảng viên chính thức; 

Nghị quyết giới thiệu đoàn viên của Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cơ sở (hoặc tập thể chi đoàn cơ sở) hoặc nghị quyết giới thiệu đoàn viên công đoàn của ban chấp hành công đoàn cơ sở; bản tổng hợp ý kiến nhận xét của đoàn thể chính trị - xã hội nơi người vào Đảng sinh hoạt và chi ủy hoặc chi bộ nơi cư trú.

++ Nếu được hai phần ba số đảng viên chính thức trở lên đồng ý kết nạp người vào Đảng thì chi bộ ra nghị quyết đề nghị cấp ủy cấp trên xem xét, quyết định.

Nghị quyết nêu rõ kết luận của chi bộ về lý lịch; ý thức giác ngộ chính trị; ưu, khuyết điểm về phẩm chất đạo đức, lối sống; năng lực công tác; quan hệ quần chúng của người vào Đảng; số đảng viên chính thức tán thành, không tán thành.

Ở những nơi cỏ đảng ủy bộ phận thì đảng ủy bộ phận thẩm định nghị quyết của chi bộ về kết nạp đảng viên, báo cáo cấp ủy cơ sở.

++ Tập thể đảng ủy cơ sở thảo luận, biểu quyết, nếu được hai phần ba số cấp ủy viên trở lên đồng ý thì ra nghị quyết đề nghị cấp ủy cấp trên xét kết nạp.

Nếu đảng ủy cơ sở được ủy quyền quyết định kết nạp đảng viên thì do đảng ủy cơ sở đó ra nghị quyết và quyết định kết nạp.

+ Quyết định của cấp ủy có thẩm quyền kết nạp đảng viên:

++ Sau khi nhận được nghị quyết đề nghị kết nạp đảng viên của cấp ủy cơ sở, ban tổ chức của cấp ủy có thẩm quyền tiến hành thẩm định lại, trích lục tài liệu gửi các đồng chí ủy viên ban thường vụ cấp ủy nghiên cứu.

Ban thường vụ cấp ủy họp xét, nếu được trên một nửa số thành viên ban thường vụ đồng ý thì ra quyết định kết nạp đảng viên. Đối với đảng ủy cơ sở được ủy quyền quyết định kết nạp đảng viên thì phải được ít nhất hai phần ba cấp ủy viên đồng ý mới được ra quyết định kết nạp đảng viên.

++ Đối với tổ chức cơ sở đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương không được ủy quyền quyết định kết nạp đảng viên thì cấp ủy cơ sở gửi văn bản kèm hồ sơ đề nghị lên ban tổ chức tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương để thẩm định, báo cáo thường trực cấp ủy; 

Thường trực cấp ủy chủ trì cùng với các đồng chí ủy viên ban thường vụ là trưởng các ban đảng xem xét, nếu được trên một nửa số thành viên đồng ý thì ra quyết định kết nạp đảng viên.

Đối với các cấp ủy cơ sở trực thuộc Đảng ủy Công an Trung ương không được ủy quyền quyết định kết nạp đảng viên thì gửi văn bản kèm hồ sơ đề nghị để Cục Công tác đảng và công tác chính trị thẩm định, báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương xét, nếu được trên một nửa số thành viên đồng ý thì ra quyết định kết nạp đảng viên.

++ Trường hợp người vào Đảng có vấn đề liên quan đến lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay, nếu thuộc thẩm quyền quyết định của cấp ủy thì cấp ủy chỉ đạo xem xét, kết luận trước khi xét kết nạp; 

Nếu không thuộc thẩm quyền quyết định của cấp ủy (theo quy định của Bộ Chính trị) thì báo cáo ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy hoặc đảng ủy trực thuộc Trung ương xem xét, nếu được sự đồng ý bằng văn bản thì cấp ủy có thẩm quyền mới ra quyết định kết nạp.

- Sau khi có quyết định của cấp có thẩm quyền công nhận đảng viên chính thức, chi ủy công bố quyết định trong kỳ sinh hoạt chi bộ gần nhất.

* Thủ tục xoá tên đảng viên dự bị vi phạm tư cách:

- Chi bộ xem xét, nếu có hai phần ba đảng viên chính thức trở lên biểu quyết đồng ý xóa tên đảng viên dự bị thì ra nghị quyết, báo cáo cấp ủy cấp trên.

- Đảng ủy cơ sở xem xét, nếu có hai phần ba đảng ủy viên trở lên biểu quyết đồng ý xóa tên đảng viên dự bị thì ra nghị quyết, báo cáo cấp ủy có thẩm quyền.

- Ban thường vụ cấp ủy có thẩm quyền kết nạp đảng viên xem xét, nếu có trên một nửa số thành viên biểu quyết đồng ý xóa tên thì ra quyết định xóa tên.

- Đảng ủy cơ sở được ủy quyền quyết định kết nạp đảng viên ra quyết định xóa tên đảng viên dự bị nếu được sự đồng ý của ít nhất hai phần ba đảng ủy viên đương nhiệm.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 28,310

Bài viết về

lĩnh vực Đảng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn