Quyền Chủ tịch nước là ai? Tiêu chuẩn Phó Chủ tịch nước

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
18/01/2023 18:07 PM

Xin hỏi Quyền Chủ tịch nước là ai? Tiêu chuẩn Phó Chủ tịch nước được quy định như thế nào? - Bảo An (TPHCM)

Quyền Chủ tịch nước là ai? Tiêu chuẩn Phó Chủ tịch nước

Quyền Chủ tịch nước là ai? Tiêu chuẩn Phó Chủ tịch nước (Hình từ internet)

Quyền Chủ tịch nước là ai?

Theo Hiến pháp 2013, Phó Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch nước giúp Chủ tịch nước thực hiện nhiệm vụ và có thể được Chủ tịch nước ủy nhiệm thay Chủ tịch nước thực hiện một số nhiệm vụ.

Khi Chủ tịch nước không làm việc được trong thời gian dài thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước.

Trong trường hợp khuyết Chủ tịch nước thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới.

Quyền Chủ tịch nước hiện nay là bà Võ Thị Ánh Xuân.

Tiêu chuẩn Phó Chủ tịch nước

Theo Quy định 214-QĐ/TW năm 2020, chức danh Phó Chủ tịch nước bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương.

Đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực:

- Có kiến thức cần thiết về các lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng, tư pháp.

- Có uy tín cao trong xã hội.

- Có khả năng tập hợp, quy tụ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội theo đường lối của Đảng.

- Có năng lực lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.

- Là Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ, đồng thời kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh hoặc chủ chốt các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương.

Tiêu chuẩn chung của Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương

Theo đó, tiêu chuẩn chung của Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương như sau:

Tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác.

Có ý thức, trách nhiệm cao, kiến thức toàn diện; tích cực tham gia thảo luận, đóng góp, hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương.

Có năng lực tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới ở lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công quản lý, phụ trách.

Có năng lực dự báo, xử lý, ứng phó kịp thời, hiệu quả những tình huống đột xuất, bất ngờ; có khả năng làm việc độc lập.

Có tố chất, năng lực lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược; có hoài bão, khát vọng đổi mới vì dân, vì nước.

Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp dưới trực tiếp và tương đương.

Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương phải là những cán bộ trẻ; cơ bản đáp ứng được tiêu chuẩn của Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương; qua thực tiễn công tác thể hiện có năng lực, triển vọng phát triển về tố chất lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược; được quy hoạch chức danh Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương và lãnh đạo chủ chốt tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương, ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương nhiệm kỳ tới và các nhiệm kỳ tiếp theo.

Trình tự bầu Phó Chủ tịch nước

Quy trình bầu Phó Chủ tịch nước được quy định tại Nghị quyết 102/2015/QH13 ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội. Cụ thể như sau:

1. Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Phó Chủ tịch nước.

2. Ngoài danh sách do Chủ tịch nước đề nghị, đại biểu Quốc hội có quyền giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào chức danh Phó Chủ tịch nước; người được giới thiệu ứng cử có quyền rút khỏi danh sách người ứng cử.

3. Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, mời Chủ tịch nước tham dự để trao đổi về các vấn đề có liên quan.

4. Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội.

5. Chủ tịch nước báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.

6. Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định danh sách người ứng cử do đại biểu Quốc hội giới thiệu hoặc tự ứng cử.

7. Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Phó Chủ tịch nước.

8. Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu.

9. Quốc hội bầu Phó Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.

10. Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, biểu quyết.

11. Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Phó Chủ tịch nước.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 17,630

Bài viết về

Chủ tịch nước

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn