04 hành vi mà người dân có thể bị phạt tiền dịp lễ, Tết

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
16/01/2023 18:15 PM

Xin hỏi những hành vi vi phạm nào trong dịp lễ, Tết mà người dân có thể bị xử phạt hành chính? - Quốc Tính (TPHCM)

04 hành vi mà người dân có thể bị phạt tiền dịp lễ, Tết

04 hành vi mà người dân có thể bị phạt tiền dịp lễ, Tết

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Sử dụng rượu, bia, các chất kích thích gây mất trật tự công cộng

Theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Sử dụng rượu, bia, các chất kích thích gây mất trật tự công cộng;

- Tổ chức, tham gia tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng;

- Để động vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Thả diều, bóng bay, các loại đồ chơi có thể bay ở khu vực cấm, khu vực mục tiêu được bảo vệ;

- Sử dụng tàu bay không người lái hoặc phương tiện bay siêu nhẹ chưa được đăng ký cấp phép bay hoặc tổ chức các hoạt động bay khi chưa có giấy phép hoặc đã đăng ký nhưng điều khiển bay không đúng thời gian, địa điểm, khu vực, tọa độ, giới hạn cho phép;

- Cản trở, sách nhiễu, gây phiền hà cho người khác khi bốc vác, chuyên chở, giữ hành lý ở chợ, bến tàu, bến xe, sân bay, bến cảng, ga đường sắt và nơi công cộng khác;

- Đốt và thả “đèn trời”;

- Không có đủ hồ sơ, tài liệu mang theo khi khai thác tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ;

- Tổ chức các hoạt động bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ khi người trực tiếp khai thác, sử dụng chưa đáp ứng các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay;

- Tổ chức các hoạt động bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ khi phương tiện bay chưa đáp ứng các tiêu chuẩn đủ điều kiện bay;

- Phun sơn, viết, vẽ, dán, gắn hình ảnh, nội dung lên tường, cột điện hoặc các vị trí khác tại khu vực dân cư, nơi công cộng, khu chung cư, nơi ở của công dân hoặc các công trình khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, đối với cá nhân sử dụng rượu, bia, các chất kích thích gây mất trật tự công cộng có thể bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. 

Đối với tổ chức nếu có hành vi tương tự thì phạt gấp đôi theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

2. Đánh bài tiến lên, tứ sắc, tài xỉu, cá cược trái phép

Theo khoản 2 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật;

- Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;

- Cá cược trái phép trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí hoặc các hoạt động khác.

Như vậy, nếu có hành vi đánh bài tiến lên, tứ sắc, tài xỉu, cá cược trái phép,..thì có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. 

Đồng thời, bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi đánh bài tiến lên, tứ sắc, tài xỉu, cá cược trái phép,..

Nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì phạt gấp đôi theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

3. Tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý trong dịp lễ, Tết

Nếu có hành vi tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý thì có thể bị xử phạt theo Điều 13 Nghị định 109/2013/NĐ-CP như sau:

(1) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu hàng hóa, dịch vụ bán tăng giá có tổng giá trị đến 50.000.000 đồng, đối với một trong những hành vi tăng giá sau:

- Tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ cao hơn mức giá đã kê khai hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

- Tăng giá theo giá ghi trong Biểu mẫu đăng ký hoặc văn bản kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản yêu cầu giải trình mức giá đăng ký hoặc kê khai hoặc có văn bản yêu cầu đình chỉ áp dụng mức giá mới và thực hiện đăng ký lại, kê khai lại mức giá.

(2) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại (1) nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

(3) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại (1) nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị từ trên 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.

(4) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại (1) hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị từ trên 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.

(5) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại (1) nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị trên 500.000.000 đồng.

(6) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 55.000.000 đồng hành vi tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý khi kiểm tra yếu tố hình thành giá theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

(7) Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm.

Từ quy định trên thì hành vi tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý dịp lễ, Tết có thể bị phạt hành chính cao nhất lên đến 55.000.000 đồng.

4. Sử dụng pháo, thuốc pháo trái phép

Tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

- Vận chuyển hoặc tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Không thử nghiệm, kiểm định, đánh giá và đăng ký theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa trước khi được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ tại Việt Nam;

- Tàng trữ, vận chuyển trái phép các loại phế liệu, phế phẩm vũ khí, công cụ hỗ trợ;

- Vận chuyển, tàng trữ trái phép đồ chơi nguy hiểm bị cấm;

- Bán tiền chất thuốc nổ cho tổ chức, doanh nghiệp khi tổ chức, doanh nghiệp đó chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, Giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ hoặc chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Làm mất vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ được trang bị;

- Sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;

- Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép;

- Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa vũ khí, công cụ hỗ trợ có giấy phép nhưng không thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, đối với hành vi sử dụng các loại pháo, thuốc pháo có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng hoặc nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

>> Xem thêm: Tổng hợp các mức phạt hành chính về quản lý sử dụng pháo hoa, pháo nổ

Nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì phạt gấp đôi theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,170

Bài viết về

lĩnh vực Vi phạm hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn