Quy định về áp giải người bị dẫn độ

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
12/12/2022 16:00 PM

Dẫn độ là gì? Việc áp giải người bị dẫn độ được pháp luật quy định như thế nào? - Tấn Phát (Long An)

Quy định về áp giải người bị dẫn độ 

Quy định về áp giải người bị dẫn độ 

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Dẫn độ là gì?

Theo khoản 1 Điều 32 Luật Tương trợ tư pháp 2007 thì dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.

2. Trường hợp bị dẫn độ

Trường hợp bị dẫn độ theo Điều 33 Luật Tương trợ tư pháp 2007 bao gồm:

(1) Người có thể bị dẫn độ theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp 2007 là người có hành vi phạm tội mà Bộ luật hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự của nước yêu cầu quy định hình phạt tù có thời hạn từ một năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình hoặc đã bị Tòa án của nước yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất sáu tháng.

(2) Hành vi phạm tội của người quy định tại (1) mục này không nhất thiết phải thuộc cùng một nhóm tội hoặc cùng một tội danh, các yếu tố cấu thành tội phạm không nhất thiết phải giống nhau theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước yêu cầu.

(3) Trường hợp hành vi phạm tội của người quy định tại (1) mục này xảy ra ngoài lãnh thổ của nước yêu cầu thì việc dẫn độ người phạm tội có thể được thực hiện nếu theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam hành vi đó là hành vi phạm tội.

3. Quy định về áp giải người bị dẫn độ

Việc áp giải người bị dẫn độ theo Điều 43 Luật Tương trợ tư pháp 2007 như sau:

- Cơ quan công an thi hành quyết định dẫn độ tổ chức việc áp giải người bị dẫn độ theo thời gian, địa điểm tiếp nhận do Việt Nam và nước yêu cầu dẫn độ thoả thuận trước bằng văn bản. Thời hạn tiếp nhận người bị dẫn độ không quá mười lăm ngày, kể từ ngày quyết định thi hành quyết định dẫn độ có hiệu lực.

- Trường hợp hết thời hạn do các nước liên quan thỏa thuận trước bằng văn bản mà nước yêu cầu dẫn độ không tiếp nhận thì Bộ Công an kiến nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã ra quyết định dẫn độ hủy quyết định thi hành quyết định dẫn độ đó và thông báo cho nước yêu cầu dẫn độ biết.

4. Quy định về quyết định dẫn độ

Quy định về quyết định dẫn độ theo Điều 40 Luật Tương trợ tư pháp 2007 như sau:

- Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu dẫn độ do Bộ Công an chuyển đến, Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi người bị yêu cầu dẫn độ đang cư trú, đang bị tạm giam, tạm giữ hoặc chấp hành hình phạt tù phải thụ lý và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. 

Trong thời hạn chuẩn bị xem xét yêu cầu dẫn độ, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài làm rõ những điểm chưa rõ trong hồ sơ yêu cầu dẫn độ. Văn bản yêu cầu dẫn độ và văn bản trả lời được gửi thông qua Bộ Công an.

- Trong thời hạn bốn tháng, kể từ ngày thụ lý, tùy từng trường hợp mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh ra một trong các quyết định sau đây:

+ Xem xét yêu cầu dẫn độ khi có đủ các điều kiện theo quy định;

+ Đình chỉ việc xem xét yêu cầu dẫn độ và trả hồ sơ cho Bộ Công an trong trường hợp không thuộc thẩm quyền hoặc bên nước ngoài rút yêu cầu dẫn độ hoặc người bị yêu cầu dẫn độ đã rời khỏi Việt Nam hoặc vì lý do khác mà việc xem xét không thể tiến hành được.

- Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét yêu cầu dẫn độ trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 40 Luật Tương trợ tư pháp 2007 và chuyển ngay một bộ hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

- Việc xem xét yêu cầu dẫn độ được tiến hành tại phiên họp do Hội đồng gồm ba thẩm phán trong đó có một thẩm phán làm chủ tọa và có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

Hội đồng xem xét yêu cầu dẫn độ làm việc theo trình tự sau đây:

+ Một thành viên của Hội đồng trình bày nội dung hồ sơ của nước yêu cầu dẫn độ và nêu ý kiến về cơ sở pháp lý của việc dẫn độ;

+ Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân về việc dẫn độ;

+ Luật sư hoặc người đại diện hợp pháp của người bị yêu cầu dẫn độ trình bày ý kiến, nếu có;

+ Người bị yêu cầu dẫn độ trình bày ý kiến;

+ Căn cứ vào các quy định của Luật Tương trợ tư pháp 2007, các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Hội đồng thảo luận và quyết định theo đa số việc dẫn độ hoặc từ chối dẫn độ.

- Chậm nhất là mười ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định dẫn độ hoặc từ chối dẫn độ, Tòa án nhân dân cấp tỉnh gửi quyết định cho người bị yêu cầu dẫn độ, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, Bộ Công an để thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Người bị yêu cầu dẫn độ có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp có quyền kháng nghị trong thời hạn mười lăm ngày, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày Tòa án nhân dân cấp tỉnh ra quyết định. 

Tòa án nhân dân cấp tỉnh phải gửi hồ sơ và kháng cáo, kháng nghị cho Tòa án nhân dân tối cao trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ dẫn độ và kháng cáo, kháng nghị, Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị; 

Hội đồng xem xét phúc thẩm quyết định về việc dẫn độ hoặc từ chối dẫn độ. Trình tự xem xét kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định dẫn độ của Tòa án nhân dân cấp tỉnh được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 40 Luật Tương trợ tư pháp 2007.

- Quyết định dẫn độ có hiệu lực pháp luật bao gồm:

+ Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị;

+ Quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,082

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn