Quy định về hoạt động cho vay phục vụ kinh doanh và nhu cầu đời sống

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
08/12/2022 12:00 PM

Xin hỏi hoạt động cho vay phục vụ kinh doanh và nhu cầu đời sống hiện nay được quy định thế nào? - Ánh Tuyết (Long An)

Quy định về hoạt động cho vay phục vụ kinh doanh và nhu cầu đời sống

Quy định về hoạt động cho vay phục vụ kinh doanh và nhu cầu đời sống

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Cho vay là gì?

Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 39/2016/TT-NHNN thì cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi.

2. Quy định về hoạt động cho vay phục vụ kinh doanh

Hoạt động cho vay phục vụ kinh doanh theo Mục 1 Chương II Thông tư 39/2016/TT-NHNN (đính chính tại Quyết định 312/QĐ-NHNN) như sau:

2.1. Phương thức cho vay phục vụ kinh doanh

Tổ chức tín dụng thỏa thuận với khách hàng việc áp dụng các phương thức cho vay như sau:

- Cho vay từng lần: Mỗi lần cho vay, tổ chức tín dụng và khách hàng thực hiện thủ tục cho vay và ký kết thỏa thuận cho vay.

- Cho vay hợp vốn: Là việc có từ hai tổ chức tín dụng trở lên cùng thực hiện cho vay đối với khách hàng để thực hiện một phương án, dự án vay vốn.

- Cho vay lưu vụ: Là việc tổ chức tín dụng thực hiện cho vay đối với khách hàng để nuôi trồng, chăm sóc các cây trồng, vật nuôi có tính chất mùa vụ theo chu kỳ sản xuất liền kề trong năm hoặc các cây lưu gốc, cây công nghiệp có thu hoạch hàng năm. 

Theo đó, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận dư nợ gốc của chu kỳ trước tiếp tục được sử dụng cho chu kỳ sản xuất tiếp theo nhưng không vượt quá thời gian của 02 chu kỳ sản xuất liên tiếp.

- Cho vay theo hạn mức: Tổ chức tín dụng xác định và thỏa thuận với khách hàng một mức dư nợ cho vay tối đa được duy trì trong một khoảng thời gian nhất định. 

Trong hạn mức cho vay, tổ chức tín dụng thực hiện cho vay từng lần. Một năm ít nhất một lần, tổ chức tín dụng xem xét xác định lại mức dư nợ cho vay tối đa và thời gian duy trì mức dư nợ này.

- Cho vay theo hạn mức cho vay dự phòng: Tổ chức tín dụng cam kết đảm bảo sẵn sàng cho khách hàng vay vốn trong phạm vi mức cho vay dự phòng đã thỏa thuận. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận thời hạn hiệu lực của hạn mức cho vay dự phòng nhưng không vượt quá 01 (một) năm.

- Cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán: Tổ chức tín dụng chấp thuận cho khách hàng chi vượt số tiền có trên tài khoản thanh toán của khách hàng một mức thấu chi tối đa để thực hiện dịch vụ thanh toán trên tài khoản thanh toán. Mức thấu chi tối đa được duy trì trong một khoảng thời gian tối đa 01 (một) năm.

- Cho vay quay vòng: Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận áp dụng cho vay đối với nhu cầu vốn có chu kỳ hoạt động kinh doanh không quá 01 (một) tháng, khách hàng được sử dụng dư nợ gốc của chu kỳ hoạt động kinh doanh trước cho chu kỳ kinh doanh tiếp theo nhưng thời hạn cho vay không vượt quá 03 (ba) tháng.

- Cho vay tuần hoàn (rollover): Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận áp dụng cho vay ngắn hạn đối với khách hàng với điều kiện:

+ Đến thời hạn trả nợ, khách hàng có quyền trả nợ hoặc kéo dài thời hạn trả nợ thêm một khoảng thời gian nhất định đối với một phần hoặc toàn bộ số dư nợ gốc của khoản vay;

+ Tổng thời hạn vay vốn không vượt quá 12 tháng kể từ ngày giải ngân ban đầu và không vượt quá một chu kỳ hoạt động kinh doanh;

+ Tại thời điểm xem xét cho vay, khách hàng không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng;

+ Trong quá trình cho vay tuần hoàn, nếu khách hàng có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng thì không được thực hiện kéo dài thời hạn trả nợ theo thỏa thuận.

- Các phương thức cho vay khác được kết hợp các phương thức cho vay quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và khoản 8 Điều 27 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, phù hợp với điều kiện hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng và đặc điểm của khoản vay.

2.2. Thời hạn cho vay phục vụ kinh doanh

- Tổ chức tín dụng và khách hàng căn cứ vào chu kỳ hoạt động kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn, khả năng trả nợ của khách hàng, nguồn vốn cho vay và thời hạn hoạt động còn lại của tổ chức tín dụng để thỏa thuận về thời hạn cho vay.

- Đối với khách hàng là pháp nhân được thành lập và hoạt động tại Việt Nam, pháp nhân được thành lập ở nước ngoài và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, thời hạn cho vay không quá thời hạn hoạt động hợp pháp còn lại của khách hàng; 

Đối với cá nhân có quốc tịch nước ngoài cư trú tại Việt Nam, thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn được phép cư trú còn lại tại Việt Nam.

2.3. Lưu giữ hồ sơ cho vay phục vụ kinh doanh

- Tổ chức tín dụng lập hồ sơ cho vay, bao gồm:

+ Hồ sơ đề nghị vay vốn;

+ Thỏa thuận cho vay;

+ Báo cáo thực trạng tài chính do khách hàng gửi tổ chức tín dụng thành “trong thời gian vay vốn: Báo cáo tài chính nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và hoặc báo cáo tài chính đã kiểm toán đối với trường hợp khách hàng phải lập báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật; báo cáo tình hình tài chính của khách hàng theo hướng dẫn của tổ chức tín dụng

+ Hồ sơ liên quan đến bảo đảm tiền vay;

+ Quyết định cho vay có chữ ký của người có thẩm quyền; trường hợp quyết định tập thể, phải có biên bản ghi rõ quyết định được thông qua;

+ Những tài liệu phát sinh trong quá trình sử dụng khoản vay liên quan đến thỏa thuận cho vay do tổ chức tín dụng hướng dẫn.

- Tổ chức tín dụng phải lưu giữ hồ sơ cho vay; thời hạn lưu giữ hồ sơ cho vay thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Quy định về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống

Hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống theo Mục 2 Chương II Thông tư 39/2016/TT-NHNN như sau:

3.1. Phương thức cho vay phục vụ nhu cầu đời sống

Tổ chức tín dụng thỏa thuận với khách hàng việc áp dụng các phương thức cho vay như sau:

- Phương thức cho vay theo quy định tại khoản 1, 4 và 6 Điều 27 Thông tư 39/2016/TT-NHNN.

- Các phương thức cho vay khác được kết hợp các phương thức cho vay quy định tại khoản 1 Điều 30 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, phù hợp với điều kiện hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng và đặc điểm của khoản vay.

3.2. Thời hạn cho vay phục vụ nhu cầu đời sống

- Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về thời hạn cho vay trên cơ sở khả năng trả nợ của khách hàng, nguồn vốn cho vay, thời hạn hoạt động còn lại của tổ chức tín dụng.

- Đối với cá nhân có quốc tịch nước ngoài cư trú tại Việt Nam, thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn được phép cư trú còn lại tại Việt Nam.

3.3. Lưu giữ hồ sơ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống

- Tổ chức tín dụng lập hồ sơ cho vay, bao gồm:

+ Hồ sơ đề nghị vay vốn;

+ Thỏa thuận cho vay;

+ Báo cáo tình hình thu nhập của khách hàng trong thời gian vay vốn theo hướng dẫn của tổ chức tín dụng;

+ Hồ sơ liên quan đến bảo đảm tiền vay;

+ Quyết định cho vay có chữ ký của người có thẩm quyền; trường hợp quyết định tập thể, phải có biên bản ghi rõ quyết định được thông qua;

+ Những tài liệu phát sinh trong quá trình sử dụng khoản vay liên quan đến thỏa thuận cho vay do tổ chức tín dụng hướng dẫn.

- Tổ chức tín dụng phải lưu giữ hồ sơ cho vay; thời hạn lưu giữ hồ sơ cho vay thực hiện theo quy định của pháp luật.

Quốc Đạt

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 15,707

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn