Công nghệ cao là gì? 05 chính sách của Nhà nước đối với hoạt động công nghệ cao

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
09/12/2022 13:31 PM

Tôi muốn hỏi công nghệ cao là gì? Nhà nước đã có những chính sách nào đối với hoạt động công nghệ cao? - Thanh Sương (Lâm Đồng)

Công nghệ cao là gì? 05 chính sách của Nhà nước đối với hoạt động công nghệ cao

Công nghệ cao là gì? 05 chính sách của Nhà nước đối với hoạt động công nghệ cao

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Công nghệ cao là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Công nghệ cao 2008, công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có.

Cụ thể, hoạt động công nghệ cao là hoạt động nghiên cứu, phát triển, tìm kiếm, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao; đào tạo nhân lực công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao; phát triển công nghiệp công nghệ cao.

(Khoản 2 Điều 3 Luật Công nghệ cao 2008)

2. Các chính sách của Nhà nước đối với hoạt động công nghệ cao

Cụ thể tại Điều 4 Luật Công nghệ cao 2008, các chính sách của Nhà nước đối với hoạt động công nghệ cao bao gồm:

(1) Huy động các nguồn lực đầu tư, áp dụng đồng bộ các cơ chế, biện pháp khuyến khích, ưu đãi ở mức cao nhất về đất đai, thuế và ưu đãi khác cho hoạt động công nghệ cao nhằm phát huy vai trò chủ đạo của công nghệ cao trong phát triển khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

(2) Đẩy nhanh việc ứng dụng, nghiên cứu, làm chủ và tạo ra công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao; hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao; nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, tham gia vào những khâu có giá trị gia tăng cao trong hệ thống cung ứng toàn cầu.

(3) Tập trung đầu tư phát triển nhân lực công nghệ cao đạt trình độ khu vực và quốc tế; áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để đào tạo, thu hút, sử dụng có hiệu quả nhân lực công nghệ cao trong nước và ngoài nước, lực lượng trẻ tài năng trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và các hoạt động công nghệ cao khác.

(4) Khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ cao, đầu tư phát triển công nghệ cao; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia hình thành mạng lưới cung ứng sản phẩm, dịch vụ phụ trợ cho ngành công nghiệp công nghệ cao.

(5) Dành ngân sách nhà nước và áp dụng cơ chế tài chính đặc thù để thực hiện nhiệm vụ, chương trình, dự án về công nghệ cao, nhập khẩu một số công nghệ cao có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

3. Điều kiện công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển

Các lĩnh vực công nghệ sau đây được tập trung đầu tư phát triển công nghệ cao:

- Công nghệ thông tin;

- Công nghệ sinh học;

- Công nghệ vật liệu mới;

- Công nghệ tự động hóa.

Ngoài ra, căn cứ vào nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, Chính phủ điều chỉnh, bổ sung lĩnh vực công nghệ cần tập trung đầu tư phát triển công nghệ cao.

Khi đó, công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển trong các lĩnh vực công nghệ quy định trên phải phù hợp với yêu cầu, xu thế phát triển khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới, phát huy lợi thế của đất nước, có tính khả thi và đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

- Có tác động mạnh và mang lại hiệu quả lớn đối với sự phát triển của các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh;

- Góp phần hiện đại hóa các ngành sản xuất, dịch vụ hiện có;

- Là yếu tố quan trọng quyết định việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới có sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

(Điều 5 Luật Công nghệ cao 2008)

4. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động công nghệ cao

Theo Điều 8 Luật Công nghệ cao 2008, các hành vi sau đây bị nghiêm cấm trong hoạt động công nghệ cao:

- Lợi dụng hoạt động công nghệ cao gây phương hại đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Thực hiện hoạt động công nghệ cao gây hậu quả xấu đến sức khỏe, tính mạng con người, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc; hủy hoại môi trường, tài nguyên thiên nhiên.

- Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về công nghệ cao.

- Tiết lộ, cung cấp trái pháp luật bí mật về công nghệ cao.

-. Giả mạo, gian dối để được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước trong hoạt động công nghệ cao.

- Cản trở trái pháp luật hoạt động công nghệ cao.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,731

Bài viết về

lĩnh vực khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn