Điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
29/11/2022 09:31 AM

Xin cho tôi hỏi để được công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án thì phải đáp ứng các điều kiện như thế nào? - Thanh Vinh (Vĩnh Long)

Điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án

Điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Hòa giải tại Tòa án là gì?

Theo khoản 2 Điều 2 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020, hòa giải tại Tòa án là hoạt động hòa giải do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự, nhằm hỗ trợ các bên tham gia hòa giải thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự theo quy định Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020.

2. Điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án

Kết quả hòa giải thành được công nhận khi có đủ các điều kiện được quy định tại Điều 33 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020, cụ thể như sau:

- Các bên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

- Các bên là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận, thống nhất;

- Nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

- Trường hợp các bên thuận tình ly hôn thì thỏa thuận của các bên phải có đầy đủ nội dung về việc ly hôn, việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, chồng, con theo quy định Luật Hôn nhân và gia đình 2014;

- Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải, thống nhất đối thoại của các bên liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người khác nhưng người đó không có mặt tại phiên hòa giải, đối thoại thì thỏa thuận, thống nhất chỉ được công nhận khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của họ;

- Trường hợp các bên thỏa thuận, thống nhất được một phần tranh chấp dân sự, một phần khiếu kiện hành chính thì chỉ được công nhận khi nội dung thỏa thuận, thống nhất không liên quan đến các phần khác của tranh chấp, khiếu kiện đó.

3. Phương thức hòa giải  tại Tòa án

Cụ thể tại Điều 22 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020, các phương thức hòa giải tại Tòa án được quy định như sau:

-  Hòa giải có thể được tiến hành trong một hoặc nhiều phiên.

- Việc hòa giải được tiến hành tại trụ sở Tòa án hoặc có thể ngoài trụ sở Tòa án theo lựa chọn của các bên.

- Phiên hòa giải có thể được thực hiện bằng hình thức trực tiếp hoặc hình thức phù hợp khác theo đề nghị của các bên.

- Hòa giải viên có thể tiến hành hòa giải có mặt các bên hoặc gặp riêng từng bên; yêu cầu mỗi bên trình bày ý kiến của mình về các vấn đề của vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính; đề xuất phương án, giải pháp hòa giải.

Trường hợp một trong các bên có người đại diện, người phiên dịch thì Hòa giải viên phải mời họ cùng tham gia hòa giải, đối thoại.

4. Các nguyên tắc hòa giải tại Tòa án

Theo Điều 3 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020, việc hòa giải tại Tòa án được thực hiện dựa trên các nguyên tắc như sau:

- Các bên tham gia hòa giải phải tự nguyện hòa giải.

- Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận, thống nhất của các bên; không được ép buộc các bên thỏa thuận, thống nhất trái với ý chí của họ.

- Bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các bên.

- Nội dung thỏa thuận hòa giải không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

- Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại phải được giữ bí mật theo quy định tại Điều 4 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020.

- Phương thức hòa giải được tiến hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi loại vụ việc.

- Hòa giải viên tiến hành hòa giải độc lập và tuân theo pháp luật.

- Tiếng nói và chữ viết dùng trong hòa giải là tiếng Việt. Người tham gia hòa giải có quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình; trường hợp này họ có thể tự bố trí hoặc đề nghị Hòa giải viên bố trí phiên dịch cho mình.

Người tham gia hòa giải là người khuyết tật nghe, nói hoặc khuyết tật nhìn có quyền dùng ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật; trường hợp này phải có người biết ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật để dịch lại và họ cũng được coi là người phiên dịch.

- Bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trong hòa giải.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,335

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn