Điều kiện để trở thành thành viên quỹ tín dụng nhân dân

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
25/11/2022 13:40 PM

Xin cho tôi hỏi để trở thành thành viên quỹ tín dụng nhân dân thì phải đáp ứng các điều kiện như thế nào? - Hồng Hạnh (Bạc Liêu)

Điều kiện để trở thành thành viên quỹ tín dụng nhân dân

Điều kiện để trở thành thành viên quỹ tín dụng nhân dân

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thành viên quỹ tín dụng nhân dân là ai?

Theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 04/2015/TT-NHNN, thành viên quỹ tín dụng nhân dân là cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân có đủ điều kiện theo quy định tại Thông tư 04/2015/TT-NHNN và tán thành Điều lệ, tự nguyện tham gia góp vốn thành lập quỹ tín dụng nhân dân.

2. Điều kiện để trở thành thành viên quỹ tín dụng nhân dân

2.1. Đối với thành viên quỹ tín dụng nhân dân là cá nhân

- Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, thường trú hoặc đăng ký tạm trú trên địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân.

Trường hợp đăng ký tạm trú, cá nhân phải có hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc là người lao động làm việc trên địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân và phải có tài liệu chứng minh về vấn đề này;

- Cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại các tổ chức, cơ quan có trụ sở chính đóng trên địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân. Thành viên của quỹ tín dụng nhân dân là cán bộ, công chức, viên chức không được giữ các chức danh Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị; Trưởng Ban và thành viên Ban kiểm soát; Giám đốc, Phó giám đốc; Kế toán trưởng và các chức danh chuyên môn nghiệp vụ trừ trường hợp được chỉ định theo quy định tại khoản 4 Điều 20 và khoản 4 Điều 24 Thông tư 04/2015/TT-NHNN;

- Không thuộc các đối tượng sau đây:

+ Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang phải chấp hành bản án, quyết định về hình sự của tòa án; người đã bị kết án từ tội phạm nghiêm trọng trở lên mà chưa được xóa án tích;

+ Cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở những ngành, nghề có liên quan đến bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật;

+ Sỹ quan, hạ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.

 (Khoản 1 Điều 31 Thông tư 04/2015/TT-NHNN, sửa đổi tại Khoản 17 Điều 2 Thông tư 21/2019/TT-NHNN)

2.2. Đối với thành viên quỹ tín dụng nhân dân là hộ gia đình

- Là hộ gia đình có các thành viên thường trú trên địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân; các thành viên trong hộ có chung tài sản để phục vụ sản xuất, kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình;

- Người đại diện của hộ gia đình phải được các thành viên của hộ gia đình ủy quyền đại diện bằng văn bản theo quy định của pháp luật và phải đảm bảo các điều kiện theo quy định tại 2.1.

(Khoản 2 Điều 31 Thông tư 04/2015/TT-NHNN, sửa đổi tại Khoản 17 Điều 2 Thông tư 21/2019/TT-NHNN)

2.3. Đối với thành viên quỹ tín dụng nhân dân là pháp nhân

- Là pháp nhân (trừ Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện) đang hoạt động bình thường và có trụ sở chính đặt tại địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân;

- Người ký đơn đề nghị tham gia góp vốn quỹ tín dụng nhân dân phải là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.

Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân khác của pháp nhân làm đại diện tham gia quỹ tín dụng nhân dân theo quy định của pháp luật có liên quan.

(Khoản 3 Điều 31 Thông tư 04/2015/TT-NHNN)

* Lưu ý:

- Cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân phải có đơn tự nguyện tham gia thành viên quỹ tín dụng nhân dân theo mẫu được quy định tại Thông tư 04/2015/TT-NHNN, tán thành Điều lệ và góp đủ vốn góp theo quy định tại Điều 28 Thông tư 04/2015/TT-NHNN.

Đơn tự nguyện tham gia thành viên quỹ tín dụng nhân dân (đối với cá nhân)
Đơn tự nguyện tham gia thành viên quỹ tín dụng nhân dân (đối với hộ gia đình)
đơn tự nguyện tham gia thành viên quỹ tín dụng nhân dân (đối với pháp nhân)

- Mỗi đối tượng quy định tại mục 2.1, 2.2 và 2.3 chỉ được tham gia là thành viên của 01 (một) quỹ tín dụng nhân dân.

3. Các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên quỹ tín dụng nhân dân

Thành viên quỹ tín dụng nhân dân chấm dứt tư cách thành viên khi thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 32 Thông tư 04/2015/TT-NHNN, cụ thể như sau:

- Trường hợp đương nhiên mất tư cách:

+ Thành viên là cá nhân bị chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự;

+ Thành viên là hộ gia đình không có người đại diện đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Thông tư 04/2015/TT-NHNN;

+ Thành viên là pháp nhân khi tổ chức đó bị giải thể, phá sản hoặc không có người đủ điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Thông tư 04/2015/TT-NHNN để cử làm đại diện;

+ Thành viên đã chuyển hết vốn góp cho người khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ quỹ tín dụng nhân dân.

- Trường hợp tự nguyện: Thành viên tự nguyện và được Hội đồng quản trị chấp thuận chấm dứt tư cách thành viên quỹ tín dụng nhân dân và được Đại hội thành viên thông qua theo quy định tại Điều lệ quỹ tín dụng nhân dân;

- Trường hợp khai trừ:

Thành viên bị Đại hội thành viên khai trừ ra khỏi quỹ tín dụng nhân dân do:

+ Không đảm bảo đủ vốn góp theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Thông tư 04/2015/TT-NHNN;

+ Có hành vi giả mạo, gian lận hồ sơ thành viên;

+ Các trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ quỹ tín dụng nhân dân.

>>> Xem thêm: Cá nhân có được phép thành lập Quỹ tín dụng nhân dân không? Cần điều kiện gì để được thành lập Quỹ tín dụng nhân dân?

Thành viên quỹ tín dụng nhân dân khi chuyển nhượng vốn góp có phải khai tính thuế thu nhập cá nhân không?

Hình thức góp vốn điều lệ của quỹ tín dụng nhân dân là gì? Điều kiện để thành viên quỹ tín dụng nhân dân được chuyển nhượng vốn góp là gì?

Thanh Rin

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,446

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn