Quy định về lưu hành xe quá khổ giới hạn của đường bộ

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Châu Văn Trọng
21/11/2022 16:21 PM

Khổ giới hạn của đường bộ là gì? Khi lưu hành xe quá khổ giới hạn của đường bộ không phép bị xử phạt thế nào? - Thúy Quỳnh (Đồng Nai)

Quy định về lưu hành xe quá khổ giới hạn của đường bộ

Quy định về lưu hành xe quá khổ giới hạn của đường bộ (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Khổ giới hạn của đường bộ là gì?

Điều 5 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT quy định về khổ giới hạn của đường bộ như sau:

- Khổ giới hạn của đường bộ là khoảng trống có kích thước giới hạn về chiều cao, chiều rộng của đường, cầu, bến phà, hầm đường bộ để các xe, kể cả hàng hóa xếp trên xe đi qua được an toàn.

- Khổ giới hạn về chiều cao của đường bộ là:

+ 4,75 mét đối với đường cao tốc, đường cấp I, II, III;

+ 4,5 mét đối với đường cấp IV trở xuống.

- Khổ giới hạn về chiều rộng của đường bộ là giới hạn chiều rộng làn xe, phụ thuộc vào cấp kỹ thuật của đường bộ và địa hình xây dựng tuyến đường.

2. Quy định về lưu hành xe quá khổ giới hạn của đường bộ

Căn cứ khoản 2 Điều 9 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT, xe quá khổ giới hạn là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có một trong các kích thước bao ngoài kể cả hàng hóa xếp trên xe (nếu có) vượt quá kích thước tối đa cho phép của các phương tiện khi tham gia giao thông trên đường bộ, cụ thể như sau:

- Chiều dài lớn hơn 20 mét hoặc lớn hơn 1,1 lần chiều dài toàn bộ của xe;

- Chiều rộng lớn hơn 2,5 mét;

- Chiều cao tính từ mặt đường bộ trở lên lớn hơn 4,2 mét (trừ xe chở container).

Trong đó, kích thước tối đa cho phép của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là kích thước bao ngoài giới hạn về chiều rộng, chiều cao, chiều dài của xe kể cả hàng hóa xếp trên xe (nếu có) được phép tham gia giao thông trên đường bộ.

(Khoản 3 Điều 3 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT)

Điều 11 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT quy định về lưu hành xe quá khổ giới hạn trên đường bộ như sau:

- Việc lưu hành xe quá khổ giới hạn phải bảo đảm an toàn giao thông và an toàn cho công trình đường bộ.

- Tổ chức, cá nhân là chủ phương tiện, người vận tải, người thuê vận tải hoặc người điều khiển phương tiện khi lưu hành xe quá khổ giới hạn phải thực hiện các quy định sau:

+ Có Giấy phép lưu hành xe quá khổ giới hạn do cơ quan có thẩm quyền cấp;

+ Tuân thủ các quy định được ghi trong Giấy phép lưu hành xe.

3. Lưu hành xe quá khổ giới hạn của đường bộ bị xử phạt thế nào?

Nếu không tuân thủ quy định trên, người điều khiển xe vượt khổ giới hạn của đường bộ có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 33 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP), cụ thể như sau:

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng quy định trong Giấy phép lưu hành, trừ các hành vi vi phạm nêu sau đây.

- Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

+ Chở hàng vượt khổ giới hạn của cầu, đường ghi trong Giấy phép lưu hành;

+ Điều khiển xe vượt quá khổ giới hạn của cầu, đường hoặc chở hàng vượt khổ giới hạn của cầu, đường tham gia giao thông, trừ trường hợp có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng.

- Phạt tiền từ 13.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng nhưng đi không đúng tuyến đường quy định trong Giấy phép lưu hành.

- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

+ Không chấp hành việc kiểm tra khổ giới hạn xe khi có tín hiệu, hiệu lệnh yêu cầu kiểm tra khổ giới hạn xe;

+ Dùng các thủ đoạn khác để trốn tránh việc phát hiện xe quá khổ.

- Bên cạnh đó, tùy từng hành vi vi phạm mà người điều khiển phương tiện còn bị áp dụng:

+ Hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) lên đến 05 tháng;

(Khoản 6 Điều 33 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP)

+ Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra nếu gây hư hại cầu, đường.

Văn Trọng

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 12,617

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn