Văn bản hợp nhất là gì? 07 điều cần biết về văn bản hợp nhất

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
16/11/2022 17:30 PM

Văn bản hợp nhất là gì? Và văn bản hợp nhất có phải là văn bản quy phạm pháp luật không? - Quế Chi (Long An)

Văn bản hợp nhất là gì? 07 điều cần biết về văn bản hợp nhất

Văn bản hợp nhất là gì? 07 điều cần biết về văn bản hợp nhất

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Văn bản hợp nhất là gì?

Theo khoản 3 Điều 2 Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật 2012 thì văn bản hợp nhất là văn bản được hình thành sau khi hợp nhất văn bản sửa đổi, bổ sung với văn bản được sửa đổi, bổ sung.

Trong đó, theo khoản 1 Điều 2 Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật 2012 thì văn bản hợp nhất là việc đưa nội dung sửa đổi, bổ sung trong văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều của văn bản đã được ban hành trước đó vào văn bản được sửa đổi, bổ sung theo quy trình, kỹ thuật quy định tại Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật 2012.

2. Nguyên tắc hợp nhất văn bản

Nguyên tắc hợp nhất văn bản theo Điều 3 Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật 2012 như sau:

- Chỉ hợp nhất văn bản do cùng một cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

- Việc hợp nhất văn bản không được làm thay đổi nội dung và hiệu lực của văn bản được hợp nhất.

- Tuân thủ trình tự, kỹ thuật hợp nhất văn bản.

3. Văn bản hợp nhất có phải là văn bản quy phạm pháp luật?

Theo Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi 2020) thì hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bao gồm:

- Hiến pháp.

- Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.

- Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.

- Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

- Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

- Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.

- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).

- Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

- Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).

- Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).

- Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Như vậy, văn bản hợp nhất không thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

4. Thẩm quyền và thời hạn hợp nhất văn bản

4.1. Thẩm quyền và thời hạn hợp nhất văn bản của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội

Theo Điều 5 Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật 2012 quy định về thẩm quyền và thời hạn hợp nhất văn bản của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội như sau:

- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tổ chức thực hiện việc hợp nhất và ký xác thực văn bản hợp nhất đối với văn bản của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội.

- Chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày văn bản sửa đổi, bổ sung được công bố, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội hoàn thành việc hợp nhất văn bản và ký xác thực văn bản hợp nhất.

4.2. Thẩm quyền và thời hạn hợp nhất văn bản của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, văn bản liên tịch giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội

Thẩm quyền và thời hạn hợp nhất văn bản của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, văn bản liên tịch giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội theo Điều 6 Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật 2012 như sau:

- Người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản được sửa đổi, bổ sung của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức thực hiện việc hợp nhất và ký xác thực văn bản hợp nhất đối với văn bản của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, văn bản liên tịch giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội.

- Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ký ban hành, văn bản sửa đổi, bổ sung của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, văn bản sửa đổi, bổ sung văn bản liên tịch giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội được gửi đến cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản được sửa đổi, bổ sung để thực hiện việc hợp nhất văn bản.

- Chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản theo quy định, người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản được sửa đổi, bổ sung hoàn thành việc hợp nhất văn bản và ký xác thực văn bản hợp nhất.

4.3. Thẩm quyền và thời hạn hợp nhất văn bản của các cơ quan khác của Nhà nước

Thẩm quyền và thời hạn hợp nhất văn bản của các cơ quan khác của Nhà nước theo Điều 7 Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật 2012 như sau:

- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tổ chức thực hiện việc hợp nhất và ký xác thực văn bản hợp nhất đối với văn bản do mình ban hành, văn bản của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, văn bản liên tịch do cơ quan mình chủ trì soạn thảo.

- Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức thực hiện việc hợp nhất và ký xác thực văn bản hợp nhất đối với văn bản do mình ban hành, văn bản liên tịch do cơ quan mình chủ trì soạn thảo.

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, tổ chức thực hiện việc hợp nhất và ký xác thực văn bản hợp nhất đối với văn bản do mình ban hành, văn bản liên tịch do cơ quan mình chủ trì soạn thảo.

- Tổng Kiểm toán Nhà nước tổ chức thực hiện việc hợp nhất và ký xác thực văn bản hợp nhất đối với văn bản do mình ban hành.

- Chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày ký ban hành văn bản, người có thẩm quyền quy định hoàn thành việc hợp nhất văn bản và ký xác thực văn bản hợp nhất.

5. Đăng văn bản hợp nhất trên Công báo và trang thông tin điện tử

Đăng văn bản hợp nhất trên Công báo và trang thông tin điện tử theo Điều 8 Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật 2012 như sau:

- Việc đăng văn bản hợp nhất trên trang thông tin điện tử chính thức của các cơ quan nhà nước được thực hiện như sau:

+ Văn bản hợp nhất quy định tại khoản 1 Điều 5 Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật 2012 được đăng trên trang thông tin điện tử của Quốc hội;

+ Văn bản hợp nhất đối với văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, văn bản liên tịch giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội được đăng trên trang thông tin điện tử của Chính phủ. 

Cơ quan thực hiện việc hợp nhất có trách nhiệm gửi văn bản hợp nhất cho Văn phòng Chính phủ trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ký xác thực, để đưa lên trang thông tin điện tử của Chính phủ;

+ Văn bản hợp nhất đối với văn bản quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 7 Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật 2012 được đăng trên trang thông tin điện tử của cơ quan thực hiện việc hợp nhất văn bản.

- Văn bản hợp nhất phải được đăng đồng thời với văn bản sửa đổi, bổ sung trên cùng một số Công báo.

Cơ quan thực hiện việc hợp nhất có trách nhiệm gửi văn bản hợp nhất cho cơ quan Công báo để thực hiện việc đăng Công báo.

- Văn bản hợp nhất đăng trên Công báo điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan quy định được khai thác miễn phí.

6. Thể thức, kỹ thuật trình bày và tên văn bản hợp nhất

Thể thức, kỹ thuật trình bày và tên văn bản hợp nhất theo Điều 11 và Điều 12 Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật 2012 như sau:

6.1. Thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hợp nhất

- Thể thức văn bản hợp nhất bao gồm phần quốc hiệu, tiêu ngữ, tên văn bản hợp nhất, lời nói đầu, căn cứ ban hành, phần, chương, mục, điều, khoản, điểm của văn bản được sửa đổi, bổ sung và các nội dung được hợp nhất theo kỹ thuật quy định tại Chương 3, phần quy định về việc thi hành, phần ký xác thực.

- Kỹ thuật trình bày văn bản hợp nhất được thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật 2012 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

6.2. Tên văn bản hợp nhất

- Tên văn bản hợp nhất là tên văn bản được sửa đổi, bổ sung.

- Tên văn bản được sửa đổi, bổ sung và tên văn bản sửa đổi, bổ sung được liệt kê ngay sau tên văn bản hợp nhất. Kèm theo tên văn bản được sửa đổi, bổ sung và văn bản sửa đổi, bổ sung phải ghi rõ số, ký hiệu, ngày, tháng, năm thông qua hoặc ký ban hành, tên cơ quan ban hành và ngày có hiệu lực của từng văn bản.

7. Thể hiện quy định về việc thi hành trong văn bản hợp nhất

Thể hiện quy định về việc thi hành trong văn bản hợp nhất theo Điều 17 Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật 2012 như sau:

- Trường hợp văn bản sửa đổi, bổ sung có điều khoản quy định về hiệu lực thi hành, trách nhiệm thi hành, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, quy định chuyển tiếp thì:

Trong văn bản hợp nhất phải có ký hiệu chú thích ngay tại tên chương hoặc điều quy định về việc thi hành và tại cuối trang của văn bản hợp nhất phải ghi chú rõ tên, số, ký hiệu của văn bản sửa đổi, bổ sung, ngày có hiệu lực và các nội dung về việc thi hành trong văn bản sửa đổi, bổ sung. 

Trường hợp văn bản được sửa đổi, bổ sung không có chương hoặc điều về việc thi hành thì các nội dung này được thể hiện tại phần quy định về việc thi hành ở cuối văn bản hợp nhất, kèm theo tên, số, ký hiệu của văn bản sửa đổi, bổ sung.

- Trường hợp cơ quan ban hành văn bản được hợp nhất có ban hành văn bản quy định về việc thi hành văn bản được hợp nhất thì:

Trong văn bản hợp nhất phải có ký hiệu chú thích ngay tại tên chương hoặc điều quy định về việc thi hành và tại cuối trang của văn bản hợp nhất phải ghi chú rõ tên, số, ký hiệu, ngày, tháng, năm thông qua hoặc ký ban hành của văn bản quy định về việc thi hành. 

Trường hợp văn bản được sửa đổi, bổ sung không có chương, điều về việc thi hành thì phải có ký hiệu chú thích tại phần quy định về việc thi hành trong văn bản hợp nhất và tại cuối trang của văn bản hợp nhất phải ghi chú rõ tên, số, ký hiệu, ngày, tháng, năm thông qua hoặc ký ban hành của văn bản quy định về việc thi hành.

Quốc Đạt

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 29,963

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn