05 điều cần biết về đề nghị giao kết hợp đồng theo Bộ luật Dân sự

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
02/11/2022 09:01 AM

Xin cho tôi hỏi khi nào một đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực? Có phải im lặng là đồng ý chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng không? - Đức Trung (Sóc Trăng)

05 điều cần biết về đề nghị giao kết hợp đồng theo Bộ luật Dân sự

05 điều cần biết về đề nghị giao kết hợp đồng theo Bộ luật Dân sự

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thế nào là đề nghị giao kết hợp đồng?

Theo khoản 1 Điều 386 Bộ luật Dân sự 2015, đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng.

Trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng có nêu rõ thời hạn trả lời, nếu bên đề nghị lại giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không được giao kết hợp đồng nếu có thiệt hại phát sinh.

(Khoản 2 Điều 386 Bộ luật Dân sự 2015)

2. Thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực

Cụ thể tại khoản 1 Điều 388 Bộ luật Dân sự 2015, thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực được xác định như sau:

- Do bên đề nghị ấn định;

- Nếu bên đề nghị không ấn định thì đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

Ngoài ra, các trường hợp sau đây được coi là đã nhận được đề nghị giao kết hợp đồng:

- Đề nghị được chuyển đến nơi cư trú, nếu bên được đề nghị là cá nhân; được chuyển đến trụ sở, nếu bên được đề nghị là pháp nhân;

- Đề nghị được đưa vào hệ thống thông tin chính thức của bên được đề nghị;

- Khi bên được đề nghị biết được đề nghị giao kết hợp đồng thông qua các phương thức khác

(Khoản 2 Điều 388 Bộ luật Dân sự 2015)

3. Các trường hợp thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng

Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 389 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể như sau:

- Bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị;

- Điều kiện thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên đề nghị có nêu rõ về việc được thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó phát sinh.

Ngoài ra, khi bên đề nghị thay đổi nội dung của đề nghị thì đó là đề nghị mới.

4. Có phải im lặng là đồng ý chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng không?

Theo khoản 1 Điều 393 Bộ luật Dân sự 2015, chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị.

Tuy nhiên, nếu bên được đề nghị thể hiện im lặng thì sự im lặng đó không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên. (Khoản 2 Điều 393 Bộ luật Dân sự 2015)

Vậy nếu có thỏa thuận hoặc thói quen đã được xác lập giữa các bên thì khi đó, im lặng là đồng ý chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.

5. Các trường hợp chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng

Đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt trong trường hợp sau đây:

- Bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng;

- Bên được đề nghị trả lời không chấp nhận;

- Hết thời hạn trả lời chấp nhận;

- Khi thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị có hiệu lực;

- Khi thông báo về việc hủy bỏ đề nghị có hiệu lực;

- Theo thỏa thuận của bên đề nghị và bên được đề nghị trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời.

(Điều 391 Bộ luật Dân sự 2015)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 25,845

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn