Quy định về bổ nhiệm đặc biệt Đại sứ đặc mệnh toàn quyền

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
26/10/2022 15:00 PM

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền là ai? Việc bổ nhiệm đặc biệt Đại sứ đặc mệnh toàn quyền được quy định như sau? - Ngọc Tím (Hà Nội)

Quy định về bổ nhiệm đặc biệt Đại sứ đặc mệnh toàn quyền

Quy định về bổ nhiệm đặc biệt Đại sứ đặc mệnh toàn quyền

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền là ai?

Theo khoản 1 Điều 19 Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài 2009 quy định về người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền hoặc Đại diện trong trường hợp chưa cử Đại sứ đặc mệnh toàn quyền.

Như vậy, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền có thể được hiểu là người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài với sự thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia hữu quan ở cấp cao nhất (cấp đại sứ).

2. Cử, bổ nhiệm, triệu hồi Đại sứ đặc mệnh toàn quyền

Việc cử, bổ nhiệm, triệu hồi Đại sứ đặc mệnh toàn quyền theo Điều 20 Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài 2009 (sửa đổi 2017) như sau:

(1) Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu cơ quan đại diện là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền.

(2) Căn cứ nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm; quyết định cử, triệu hồi người đứng đầu cơ quan đại diện là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền.

(3) Chủ tịch nước quyết định cử, triệu hồi người đứng đầu cơ quan đại diện là Đại diện của Chủ tịch nước tại tổ chức quốc tế theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, trừ trường hợp quy định tại (2) mục này.

(4) Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định bổ nhiệm, triệu hồi người đứng đầu cơ quan đại diện, trừ trường hợp quy định tại (1), (2) và (3) mục này.

(5) Người đứng đầu cơ quan đại diện tại một quốc gia, tổ chức quốc tế có thể được cử hoặc bổ nhiệm kiêm nhiệm làm người đứng đầu cơ quan đại diện tại quốc gia, tổ chức quốc tế khác.

3. Trách nhiệm của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền

Trách nhiệm của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền theo Điều 21 Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài 2009 (sửa đổi 2017) như sau:

- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ đó; chỉ đạo xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của cơ quan đại diện.

- Phân công, bố trí công việc của thành viên cơ quan đại diện phù hợp với quyết định bổ nhiệm của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và yêu cầu công tác của cơ quan đại diện; phối hợp với cơ quan hữu quan chỉ đạo công tác đối với cán bộ biệt phái; 

Tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách đối với thành viên cơ quan đại diện; quản lý kỷ luật lao động và đánh giá thành viên cơ quan đại diện; khen thưởng, kỷ luật theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền khen thưởng, kỷ luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiến nghị thực hiện biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ bí mật nhà nước, bảo đảm an ninh, an toàn đối với thành viên và trụ sở cơ quan đại diện.

- Tham gia tổ chức hoạt động của đoàn cấp cao Việt Nam sang thăm và làm việc tại quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận.

- Chịu trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng hợp lý, tiết kiệm kinh phí và cơ sở vật chất của cơ quan đại diện theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức sơ kết, tổng kết và trực tiếp báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về hoạt động của cơ quan đại diện; kiến nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao biện pháp hoàn thiện tổ chức bộ máy, biên chế và chế độ, chính sách đối với cơ quan đại diện.

- Trong trường hợp khẩn cấp, có quyền quyết định biện pháp cần thiết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của thành viên cơ quan đại diện và gia đình, tài liệu và tài sản của cơ quan đại diện, đồng thời báo cáo ngay Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

- Trong trường hợp đặc biệt, quyết định đưa về nước thành viên cơ quan đại diện không hoàn thành nhiệm vụ hoặc có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, quan hệ với quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận, đồng thời báo cáo ngay Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

4. Quy định về bổ nhiệm đặc biệt Đại sứ đặc mệnh toàn quyền

Việc bổ nhiệm đặc biệt Đại sứ đặc mệnh toàn quyền theo Chương IV Nghị định 104/2018/NĐ-CP như sau:

4.1. Trường hợp đặc biệt bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền

Trong trường hợp quá độ tuổi bổ nhiệm thông thường, người được tiến cử Đại sứ đặc mệnh toàn quyền được xem xét bổ nhiệm căn cứ yêu cầu đối ngoại, địa bàn công tác, năng lực, uy tín cá nhân theo quy định.

4.2. Nguyên tắc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền trong trường hợp đặc biệt

- Việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền trong trường hợp đặc biệt phải bảo đảm chặt chẽ, khách quan, công bằng, công khai và đúng quy định.

- Khi được bổ nhiệm, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền thực hiện đầy đủ nhiệm kỳ công tác theo quy định của pháp luật về cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

- Bộ trưởng Bộ Ngoại giao báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đối với từng trường hợp cụ thể.

4.3. Điều kiện về năng lực, uy tín cá nhân

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền được bổ nhiệm trong trường hợp đặc biệt nếu đáp ứng các tiêu chí về năng lực, uy tín sau đây:

- Có kiến thức, hiểu biết sâu rộng về quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận.

- Có uy tín, kinh nghiệm và năng lực vượt trội trong lĩnh vực đối ngoại.

4.4. Điều kiện về yêu cầu đối ngoại

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền được bổ nhiệm trong trường hợp đặc biệt nhằm thực hiện một trong các yêu cầu đối ngoại sau đây:

- Thúc đẩy một hoặc một số lĩnh vực hợp tác đặc biệt quan trọng về chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế trong quan hệ giữa Việt Nam với quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận.

- Xử lý một hoặc một số vấn đề quan trọng, có ảnh hưởng sâu sắc đến lợi ích của Việt Nam trong quan hệ giữa Việt Nam với quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận.

4.5. Điều kiện về địa bàn công tác

Địa bàn công tác trong trường hợp đặc biệt bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền bao gồm một trong các địa bàn sau đây:

- Quốc gia láng giềng hoặc thuộc khu vực Đông Nam Á.

- Quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, Liên hợp quốc hoặc địa bàn có tầm quan trọng trong quan hệ với Việt Nam, phù hợp với yêu cầu đối ngoại trong từng thời kỳ.

Quốc Đạt

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,471

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn