Quyền của trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khi giáo dục hòa nhập

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
04/10/2022 09:33 AM

Các quyền của trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khi giáo dục hòa nhập được quy định như thế nào? - Ánh Tuyết (Lâm Đồng)

Quyền của trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khi giáo dục hòa nhập

Quyền của trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khi giáo dục hòa nhập

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Giáo dục hòa nhập là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 39/2009/TT-BGDĐT, giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục đáp ứng nhu cầu giáo dục cá nhân cho mọi trẻ em trong giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, không phân biệt giới tính, tôn giáo, dân tộc, điều kiện kinh tế, thành phần xã hội, hoàn cảnh sống và điều kiện học tập.

Cụ thể, mục tiêu giáo dục hòa nhập bao gồm:

- Mọi trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đều được học tập bình đẳng trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân, được giáo dục các kĩ năng sống, học văn hoá, hướng nghiệp, học nghề để hòa nhập cộng đồng.

- Mọi trẻ em được nhận một nền giáo dục phù hợp với hoàn cảnh sống, nhu cầu và khả năng học tập trong các giai đoạn phát triển của trẻ.

(Điều 4 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 39/2009/TT-BGDĐT)

2. Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn là ai?

Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn quy định tại Thông tư 39/2009/TT-BGDĐT là những trẻ em dưới 16 tuổi có nhiều khó khăn trong học tập, bao gồm:

- Trẻ em người dân tộc thiểu số chưa biết tiếng Việt;

- Trẻ em mồ côi không nơi nương tựa;

- Trẻ em lang thang đường phố.

(Điều 2 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 39/2009/TT-BGDĐT)

3. Quyền của trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khi giáo dục hòa nhập

Ngoại các quyền như những trẻ em bình thường khác, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được giáo dục hòa nhập hưởng những quyền sau:

- Có quyền nhập học tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

- Tuổi đi học của trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có thể cao hơn tuổi quy định.

- Được quan tâm giúp đỡ và cung cấp thông tin; được tôn trọng và đối xử bình đẳng trong học tập và trong các hoạt động khác.

- Được học tập phù hợp với trình độ, năng lực cá nhân; được giúp đỡ đặc biệt để đạt được các kỹ năng cần thiết trong học tập và sinh hoạt (nếu cần).

- Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn không thể đáp ứng yêu cầu của môn học, hoặc hoạt động giáo dục thì người đứng đầu cơ sở giáo dục quyết định việc miễn, giảm môn học, hoạt động giáo dục đó.

- Được xét miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp khác; được cấp sách giáo khoa, học phẩm, hỗ trợ sinh hoạt khác theo quy định của Nhà nước.

(Điều 19 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 39/2009/TT-BGDĐT)

4. Nguyên tắc thực hiện giáo dục hoà nhập

Giáo dục hòa nhập được thực hiện dựa trên các nguyên tắc được quy định tại Điều 5 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 39/2009/TT-BGDĐT, cụ thể như sau:

- Chương trình giáo dục cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được điều chỉnh phù hợp với đặc điểm cá nhân trẻ.

- Giáo dục trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được tổ chức, thực hiện linh hoạt trên cơ sở động viên, khuyến khích trẻ em học tập tích cực, hiệu quả.

- Giáo dục hòa nhập cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được thực hiện trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa cộng đồng, gia đình, nhà trường và xã hội.

5. Nội dung quản lý về giáo dục hoà nhập

Theo Điều 6 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 39/2009/TT-BGDĐT, nội dung quản lý về giáo dục hòa nhập được quy định như sau:

- Xây dựng chiến lược, kế hoạch hành động, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, quản lý, thanh tra, giám sát việc thực hiện giáo dục hoà nhập.

- Xác định nội dung, yêu cầu của chương trình giáo dục hòa nhập, biên soạn tài liệu dạy và học.

- Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực cho giáo dục hoà nhập.

- Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học và các dịch vụ hỗ trợ giáo dục hoà nhập trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Xây dựng hệ thống quản lý thông tin về trẻ em có hoàn cảnh khó khăn từ trung ương đến địa phương.

- Hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách, phân bổ ngân sách và tiếp nhận hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, tổ chức các hoạt động phối hợp liên ngành chăm lo cho giáo dục hoà nhập.

Thanh Rin

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,032

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn