Các chính sách đối với giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
29/09/2022 14:30 PM

Tôi muốn biết rõ các chính sách đối với giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học được quy định như thế nào? - Châu Phong (Bình Dương)

Các chính sách đối với giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học

Các chính sách đối với giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Giảng viên là ai?

Theo khoản 1 Điều 54 Luật Giáo dục đại học 2012 (sửa đổi, bổ sung 2018), giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học (gọi tắt là giảng viên) là người có nhân thân rõ ràng; có phẩm chất, đạo đức tốt; có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; có trình độ đáp ứng quy định của Luật Giáo dục đại học, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.

Trong đó, chức danh giảng viên bao gồm:

- Trợ giảng

- Giảng viên, Giảng viên chính

- Phó giáo sư, Giáo sư.

Ngoài ra, trình độ tối thiểu của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ, trừ chức danh trợ giảng; trình độ của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là tiến sĩ.

(Khoản 2, 3 Luật Giáo dục đại học 2012 (sửa đổi, bổ sung 2018))

2. Các chính sách đối với giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học

Giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học sẽ được hưởng các chính sách theo quy định tại Điều 56 Luật Giáo dục đại học 2012 (sửa đổi, bổ sung 2018) như sau: 

- Giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học được cử đi học nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ.

- Giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tạo điều kiện về chỗ ở, được hưởng chế độ phụ cấp và các chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ.

- Nhà nước có chính sách điều động, biệt phái giảng viên làm việc tại cơ sở giáo dục đại học ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Khuyến khích giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học ở vùng thuận lợi đến công tác tại các cơ sở giáo dục đại học ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện để giảng viên ở vùng này an tâm công tác.

- Giảng viên có trình độ tiến sĩ, giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư công tác trong cơ sở giáo dục đại học có thể kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nếu có đủ sức khỏe, tự nguyện kéo dài thời gian làm việc, đồng thời cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu.

3. Nhiệm vụ và quyền hạn của giảng viên

Cụ thể tại Điều 55 Luật Giáo dục đại học 2012 (sửa đổi, bổ sung 2018), giảng viên có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

- Giảng dạy, phát triển chương trình đào tạo, thực hiện đầy đủ, bảo đảm chất lượng chương trình đào tạo.

- Nghiên cứu, phát triển ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ, bảo đảm chất lượng đào tạo.

- Học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy; tham gia hoạt động thực tiễn để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

- Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của giảng viên.

- Tôn trọng nhân cách của người học, đối xử công bằng với người học, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học.

- Tham gia quản lý và giám sát cơ sở giáo dục đại học, tham gia công tác Đảng, đoàn thể và các công tác khác.

- Độc lập về quan điểm chuyên môn trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học trên nguyên tắc phù hợp với lợi ích của Nhà nước và xã hội.

- Được ký hợp đồng thỉnh giảng và nghiên cứu khoa học với cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ quan, tổ chức khác theo quy định của cơ sở giáo dục đại học mà mình đang làm việc.

- Được bổ nhiệm chức danh của giảng viên, được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú và được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

- Nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Các hành vi giảng viên không được làm

Giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học ngoài việc thực hiện tốt các nhiệm vụ và quyền hạn được quy định tại mục 3 thì giảng viên không được làm các hành vi sau đây:

- Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học và người khác.

- Gian lận trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học.

- Lợi dụng danh hiệu nhà giáo và hoạt động giáo dục để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

(Điều 58 Luật Giáo dục đại học 2012 (sửa đổi, bổ sung 2018))

>>> Xem thêm: Xếp hạng giảng viên có bằng tiến sỹ như thế nào? Thu nhập của giảng viên có bằng tiến sỹ có thể lên đến 80 triệu đồng/tháng?

Giảng viên đại học dạy tại trường công lập có được nghỉ hưu cao hơn tuổi quy định không?

Quy định mới nhất về tiêu chuẩn đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập là gì?

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,705

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn