Chứng khoán phái sinh và 4 điều cần biết

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
09/09/2022 10:00 AM

Tôi muốn thực hiện đầu tư chứng khoán thì xin hỏi chứng khoán phái sinh là gì? Cần biết những gì về chứng khoán phái sinh - Xuân Trường (Bắc Ninh)

Chứng khoán phái sinh và 4 điều cần biết

1. Chứng khoán phái sinh là gì?

- Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây:

+ Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;

+ Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;

+ Chứng khoán phái sinh;

+ Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.

- Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm:

+ Hợp đồng quyền chọn;

+ Hợp đồng tương lai;

+ Hợp đồng kỳ hạn.

Trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.

(Khoản 1, Khoản 9 Điều 4 Luật Chứng Khoán 2019)

2. Các loại hợp đồng chứng khoán phái sinh

- Hợp đồng quyền chọn là loại chứng khoán phái sinh, xác nhận quyền của người mua và nghĩa vụ của người bán để thực hiện một trong các giao dịch sau đây:

+ Mua hoặc bán số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá thực hiện đã được xác định tại thời điểm trước hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai;

+ Thanh toán khoản chênh lệch giữa giá trị tài sản cơ sở đã được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng và giá trị tài sản cơ sở tại thời điểm trước hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.

- Hợp đồng tương lai là loại chứng khoán phái sinh niêm yết, xác nhận cam kết giữa các bên để thực hiện một trong các giao dịch sau đây:

+ Mua hoặc bán số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định vào ngày đã xác định trong tương lai;

+ Thanh toán khoản chênh lệch giữa giá trị tài sản cơ sở đã được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng và giá trị tài sản cơ sở vào ngày đã xác định trong tương lai.

- Hợp đồng kỳ hạn là loại chứng khoán phái sinh giao dịch thỏa thuận, xác nhận cam kết giữa các bên về việc mua hoặc bán số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định vào ngày đã xác định trong tương lai.

(Khoản 11, 12, 13 Điều 4 Luật Chứng Khoán 2019)

3. Điều kiện đầu tư chứng khoán phái sinh

Tổ chức, cá nhân được đầu tư vào các chứng khoán phái sinh trên thị trường chứng khoán phái sinh;

Trừ trường hợp bị cơ quan có thẩm quyền cấm thực hiện các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn do vi phạm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán và các trường hợp đầu tư có điều kiện cụ thể sau đây:

- Công ty chứng khoán chỉ được đầu tư chứng khoán phái sinh sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh cho phép thực hiện hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh;

- Công ty quản lý quỹ chỉ được đầu tư chứng khoán phái sinh nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro cho danh mục chứng khoán đang nắm giữ đối với nguồn vốn ủy thác từ hoạt động quản lý danh mục đầu tư; công ty quản lý quỹ chỉ được đầu tư chứng khoán phái sinh nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro theo quy định của pháp luật về quỹ đầu tư chứng khoán đối với nguồn vốn của quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán. Công ty quản lý quỹ không được đầu tư chứng khoán phái sinh từ nguồn vốn của mình, nguồn vốn vay và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác;

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được đầu tư chứng khoán phái sinh sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản;

- Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài chỉ được đầu tư chứng khoán phái sinh theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm;

- Tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước chỉ được đầu tư chứng khoán phái sinh sau khi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Lưu ý: Trong quá trình đầu tư chứng khoán phái sinh, kinh doanh chứng khoán phái sinh, tổ chức, cá nhân tự chịu trách nhiệm về rủi ro và phải tuân thủ quy định pháp luật, không được thực hiện các hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

(Điều 16 Nghị định 158/2020/NĐ-CP)

4. Danh sách công ty chứng khoán giao dịch chứng khoán phái sinh tại Việt Nam

- CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) 

- CTCP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

- CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI)

- CTCP Chứng khoán VNDirect (VND)

- CTCP Chứng khoán MB (MBS)

- CTCP chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh

- CTCP Chứng khoán Rồng Việt

- CTCK chứng khoán KIS Việt Nam

- CTCP chứng khoán Bản Việt

- Công ty TNHH Chứng khoán ACB

- Công ty TNHH chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam

- Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam)

Ngọc Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,444

Bài viết về

lĩnh vực Chứng khoán

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn