Tái chế dầu nhớt “chui” có thể bị phạt đến nửa tỷ đồng

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
15/06/2022 17:42 PM

Hiện nay, lợi dụng tình trạng giá xăng dầu tăng cao, nhiều cơ sở đã có hành vi thu mua dầu nhớt đã qua sử dụng, tái chế và bán lại thị trường mà không có giấy phép. Vậy hành vi tái chế dầu nhớt “chui” bị xử lý thế nào?

Tái chế dầu nhớt “chui” có thể bị phạt đến nửa tỷ đồng (Ảnh minh hoạ)

Hành vi tái chế dầu nhớt đã qua sử dụng khi không có giấy phép là hành vi vi phạm pháp luật về việc xử lý chất thải nguy hại và có thể bị xử phạt hành chính theo khoản 5 Điều 23 Nghị định 155/2016/NĐ-CP và điểm đ khoản 21 Điều 1 Nghị định 55/2021/NĐ-CP

Cụ thể, phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi:

- Sử dụng phương tiện, thiết bị chuyên dụng xử lý chất thải nguy hại không có trong giấy phép xử lý chất thải nguy hại.

-  Xử lý chất thải nguy hại ngoài danh mục chất thải nguy hại trong giấy phép xử lý chất thải nguy hại.

- Xử lý chất thải nguy hại được thu gom ngoài địa bàn quy định trong giấy phép xử lý chất thải nguy hại.

- Xử lý chất thải nguy hại vượt quá công suất xử lý một trong các nhóm chất thải nguy hại quy định trong giấy phép xử lý chất thải nguy hại hoặc trong văn bản chấp thuận vận hành thử nghiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Xử lý chất thải nguy hại khi không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại theo quy định.

Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân, nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì phạt gấp đôi (Theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 155/2016/NĐ-CP)

Ngoài phạt tiền, còn có thể bị đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 06 tháng đến 12 tháng (Theo điểm c khoản 9 Điều 23 Nghị định 155/2016/NĐ-CP)

Đồng thời, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

- Buộc chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị có chức năng xử lý đối với trường hợp vi phạm quy định tại điểm đ khoản 5 và khoản 6 Điều 23 Nghị định 155/2016/NĐ-CP.

- Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều 23 Nghị định 155/2016/NĐ-CP.

- Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều 23 Nghị định 155/2016/NĐ-CP gây ra.

(Theo Điều 10 Nghị định 155/2016/NĐ-CP và điểm k khoản 21 Điều 1 Nghị định 55/2021/NĐ-CP)

Như vậy, đối với hành vi tái chế dầu nhớt đã qua sử dụng mà không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại theo quy định có thể bị xử phạt hành chính đến 500.000.000 đồng.

Quốc Đạt

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,988

Bài viết về

lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn