Livestream chửi bới, xúc phạm người khác bị xử lý thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
31/05/2022 17:44 PM

Livestream hay phát trực tiếp là một tính năng được nhiều người dùng quan tâm. Bên cạnh nội dung lành mạnh, nhiều người đã livestream nội dung mang tính xúc phạm người khác. Vậy livestream chửi bới, xúc phạm người khác bị xử lý thế nào?

Livestream chửi bới, xúc phạm người khác bị xử lý thế nào

Livestream chửi bới, xúc phạm người khác bị xử lý thế nào? (Ảnh minh họa)

1. Quyền cá nhân, tổ chức bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín

Căn cứ Điều 34 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

- Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

- Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu:

+ Vợ, chồng hoặc con thành niên;

+ Trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

- Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. 

Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

- Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.

- Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Như vậy, việc livestream chửi bới người khác sẽ xâm phạm đến quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân.

2. Trách nhiệm khi livestream chửi bới, xúc phạm người khác

2.1 Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Theo Điều 592 Bộ luật dân sự 2015 quy định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, gồm có:

- Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

- Thiệt hại khác do luật quy định.

Bên cạnh đó, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.

+ Trong trường hợp thỏa thuận được thì mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; 

+ Trường hợp không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

(Hiện nay, theo Khoản 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng)

2.2 Về trách nhiệm hành chính

Theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân từ mạng xã hội sẽ bị phạt:

+ Từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với tổ chức;

+ Từ 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với cá nhân theo Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, nếu có hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt với mức phạt:

+ Từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với tổ chức;

+ Từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với cá nhân theo Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

Ngoài ra, tổ chức vi phạm quy định trên còn có thể buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

Như vậy, khi người dân có hành vi livestream chửi bới, xúc phạm cơ quan có thẩm quyền xúc phạm đến uy tín của lực lượng cơ quan công dân thì sẽ bị xử phạt với mức phạt quy định như trên.

2.3 Về trách nhiệm hình sự

Tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội làm nhục người khác, theo đó:

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10 triệu đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ lên đến 03 năm đối với hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác;

- Phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với:

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Đối với 02 người trở lên;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

+ Đối với người đang thi hành công vụ;

+ Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

+ Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

+ Làm nạn nhân tự sát.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như quy định được nêu trên, hành vi livestream chửi bới, xúc phạm người khác tùy trường hợp có thể bị phạt đến 02 năm tù.

Ngọc Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,787

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn