Điều kiện xem xét, công nhận Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
09/05/2022 14:26 PM

Điều kiện, tiêu chuẩn công nhận Bà mẹ Việt Nam anh hùng được quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với Cách mạng 2020.

Điều kiện xem xét, công nhận Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Điều kiện xem xét, công nhận Bà mẹ Việt Nam anh hùng (Ảnh minh họa)

1. Điều kiện xem xét, công nhận mẹ Việt Nam anh hùng

Theo Điều 17 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 2020 quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn của Bà mẹ Việt Nam anh hùng như sau: 

Bà mẹ Việt Nam anh hùng là người được tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” theo quy định tại Pháp lệnh Quy định danh hiệu và vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

2. Tiêu chuẩn phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng

Theo đó, căn cứ theo Pháp lệnh Quy định danh hiệu và vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và Điều 2 Nghị định 56/2013/NĐ-CP quy định những bà mẹ thuộc một trong các trường hợp sau đây được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”:

(1) Có 2 con trở lên là liệt sỹ;

(2) Chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sỹ và 1 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

(3) Chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sỹ;

(4) Có 1 con là liệt sỹ và có chồng hoặc bản thân là liệt sỹ;

(5) Có 1 con là liệt sĩ và bản thân là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

- Người con là liệt sỹ là người đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng “Tổ quốc ghi công” (gồm con đẻ và con nuôi theo pháp luật)

- Người chồng là liệt sỹ là người đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng “Tổ quốc ghi công” mà bà mẹ là vợ của người đó.

- Thương binh quy định trên là người đã được cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận thương binh, bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, bao gồm cả người còn sống và người đã từ trần.

- Trường hợp bà mẹ có chồng, con tham gia hàng ngũ địch nhưng bà mẹ chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước thì vẫn được xem xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước ‘‘Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Tuy nhiên, những trường hợp quy định trên nhưng phản bội, đầu hàng địch, có hành động gây nguy hại cho cách mạng hoặc vi phạm pháp luật bị Tòa án xét xử bằng hình thức phạt tù mà bản án, quyết định của Tòa án đang có hiệu lực pháp luật (kể cả trường hợp được hưởng án treo) thì không được xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Trong đó, đối tượng được xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” như trên được quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch 03/2014/TTLT-BNV-BQP-BLĐTBXH như sau:

- Trường hợp liệt sĩ là con đẻ đồng thời là con nuôi

Xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho cả hai bà mẹ nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.

- Liệt sĩ là con của bà mẹ này lại là chồng của bà mẹ khác

Xét tặng hoặc truy tặng đối với bà mẹ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; trường hợp cả hai bà mẹ đều đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định thì xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho cả hai bà mẹ.

- Bà mẹ là vợ liệt sĩ tái giá hoặc bà mẹ là mẹ liệt sĩ tái giá

+ Xét tặng hoặc truy tặng cho bà mẹ là vợ liệt sĩ tái giá nhưng vẫn có trách nhiệm chăm sóc bố mẹ của liệt sĩ và nuôi con của liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc vì thực hiện nhiệm vụ hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc con hoặc bố, mẹ của liệt sĩ. 

Các trường hợp này phải được chính quyền cấp xã nơi lập hồ sơ xác nhận.

+ Xét tặng hoặc truy tặng cho bà mẹ là mẹ liệt sĩ tái giá mà con của mẹ là liệt sĩ bao gồm con của chồng trước và con của chồng sau.

- Trường hợp mẹ đẻ của 02 liệt sĩ đã chết khi 2 liệt sĩ đều chưa đến tuổi thành niên, mẹ kế có công nuôi dưỡng cả 2 liệt sĩ và đã được hưởng trợ cấp tiền tuất của 2 liệt sĩ thì mẹ kế được xét tặng hoặc truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

- Bà mẹ có nhiều con nhưng đều đã chết, người con là liệt sĩ được xem là người con duy nhất.

Chỉ xét tặng hoặc truy tặng đối với bà mẹ mà những người con khác đều đã chết trước khi người con là liệt sĩ tham gia cách mạng.

3. Chế độ ưu đãi đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Chế độ ưu đãi đối Bà mẹ Việt Nam anh hùng được quy định tại điều 19 của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 2020, bao gồm:

- Chế độ ưu đãi đối với thân nhân của liệt sĩ quy định tại các khoản 1, 2, 4, 6, 7, 8 và 9 Điều 16 của Pháp lệnh.

Trong đó, chế độ ưu đãi đối với thân nhân của liệt sĩ được quy định tại các khoản 1, 2, 4, 6, 7, 8 và 9 Điều 16 của Pháp lệnh như sau:

- Cấp “Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ” theo quy định của Chính phủ.

- Trợ cấp tuất một lần khi truy tặng Bằng “Tổ quốc ghi công”; 

Trường hợp không còn thân nhân thì người thừa kế của liệt sĩ giữ Bằng “Tổ quốc ghi công” được hưởng trợ cấp tuất một lần.

- Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi liệt sĩ, vợ hoặc chồng liệt sĩ quy định tại khoản 3 Điều này sống cô đơn, con liệt sĩ quy định tại khoản 3 Điều này mồ côi cả cha mẹ thì được hưởng thêm trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng.

- Bảo hiểm y tế đối với cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi liệt sĩ, vợ hoặc chồng, con liệt sĩ.
- Chế độ ưu đãi:
+ Ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm;

+ Hỗ trợ để theo học đến trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;

+ Hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở;

+ Miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước;

+ Ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển; ưu tiên giao khoán bảo vệ và phát triển rừng;

+ Vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh

- Cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết theo chỉ định của cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội hoặc của bệnh viện tuyến tỉnh trở lên đối với thân nhân của liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.

- Trợ cấp hằng tháng bằng 03 lần mức chuẩn.

- Phụ cấp hằng tháng.

- Trợ cấp người phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống ở gia đình.

- Điều dưỡng phục hồi sức khỏe hằng năm.

- Nhà nước và xã hội tặng nhà tình nghĩa hoặc hỗ trợ cải thiện nhà ở: 

Hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở;

Đồng thời, tại Điều 3 Nghị định 56/2013/NĐ-CP quy định về chế độ ưu đãi như sau:

- Bà mẹ được truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thì thân nhân thờ cúng bà mẹ được nhận Bằng, Huy hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng và pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.

- Tổ chức lễ tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” được quy định như sau:

+ Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức lễ tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”;

+ Lễ tặng hoặc truy tặng được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, có ý nghĩa giáo dục truyền thống; trang trí buổi lễ có dòng chữ: Lễ tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

- Tổ chức lễ tang khi Bà mẹ Việt Nam anh hùng từ trần được quy định như sau:

+ Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức lễ tang với thành phần đại điện cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội; cơ quan, đơn vị phụng dưỡng và nhân dân nơi bà mẹ cư trú;

+ Lễ tang được tổ chức trang trọng, tiết kiệm phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương; trang trí buổi lễ có dòng chữ: Lễ tang Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

- Kinh phí tổ chức lễ tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” không quá 01 tháng lương tối thiểu chung cho 01 trường hợp; 

Lễ tang Bà mẹ Việt Nam anh hùng không quá 02 tháng lương tối thiểu chung cho 01 trường hợp.

4. Chế độ ưu đãi đối với thân nhân của Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Chế độ ưu đãi đối với thân nhân của Bà mẹ Việt Nam anh hùng được quy định tại điều 19 của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 2020, bao gồm:

- Trợ cấp một lần đối với thân nhân khi Bà mẹ Việt Nam anh hùng được tặng danh hiệu nhưng chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi hoặc được truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

- Trợ cấp một lần đối với thân nhân với mức bằng 03 tháng trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng hiện hưởng khi Bà mẹ Việt Nam anh hùng đang hưởng trợ cấp hàng tháng, phụ cấp hằng tháng chết.

- Trợ cấp mai táng đối với người hoặc tổ chức thực hiện mai táng khi Bà mẹ Việt Nam anh hùng đang hưởng trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng chết.

- Bảo hiểm y tế đối với người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống ở gia đình.

CSPL: Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 2020; Nghị định 56/2013/NĐ-CP; Thông tư liên tịch 03/2014/TTLT-BNV-BQP-BLĐTBXH.

Xuân Thảo

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 19,889

Bài viết về

lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn