Khi nào thực hiện trích xuất phạm nhân?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
07/05/2022 16:17 PM

Trích xuất phạm nhân là một hoạt động thường nghe nhắc đến trong quá trình giải quyết vụ án, thi hành án hình sự. Vậy việc trích xuất phạm nhân được thực hiện trong những trường hợp nào?

Khi nào thực hiện trích xuất phạm nhân?

Khi nào thực hiện trích xuất phạm nhân? (Ảnh minh họa)

1. Trích xuất phạm nhân là gì?

Trích xuất là việc thực hiện quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 2019 đưa phạm nhân, người bị kết án tử hình hoặc người chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng ra khỏi nơi quản lý và chuyển giao cho cơ quan, người có thẩm quyền để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, khám bệnh, chữa bệnh, quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo trong thời hạn nhất định.

2. Khi nào thực hiện trích xuất phạm nhân?

Việc trích xuất phạm nhân được thực hiện khi:

- Để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử;

- Để phục vụ yêu cầu quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo, khám bệnh, chữa bệnh hoặc để chăm sóc con của phạm nhân đang ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ phạm nhân phải đưa đi khám và điều trị bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

3. Trình tự thực hiện trích xuất phạm nhân

- Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có yêu cầu trích xuất phạm nhân phải gửi văn bản yêu cầu cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có yêu cầu trích xuất để yêu cầu người có thẩm quyền ra lệnh trích xuất.

- Khi nhận được yêu cầu trích xuất phạm nhân, người có thẩm quyền phải ra lệnh trích xuất.

4. Thẩm quyền trích xuất phạm nhân

* Thẩm quyền trích xuất phạm nhân để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện như sau:

- Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an ra lệnh trích xuất đối với phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an;

- Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng ra lệnh trích xuất đối với phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng; Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu ra lệnh trích xuất đối với phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam cấp quân khu;

- Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh ra lệnh trích xuất đối với phạm nhân đang chấp hành án tại trại tạm giam hoặc phạm nhân do cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trực tiếp quản lý.

* Thẩm quyền trích xuất phạm nhân trong trường hợp để phục vụ yêu cầu quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo, khám bệnh, chữa bệnh hoặc để chăm sóc con của phạm nhân đang ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ phạm nhân phải đưa đi khám và điều trị bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc về:

- Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam;

- Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.

(Khoản 17 Điều 3, Điều 40 Luật Thi hành án hình sự 2019)

Diễm My

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,296

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn