Điều kiện, thủ tục đăng ký hành nghề kiểm toán

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
22/04/2022 10:56 AM

Để được hành nghề thì kiểm toán viên phải đăng ký hành nghề kiểm toán và được cấp giấy chứng nhận. Sau đây là điều kiện, thủ tục đăng ký hành nghề kiểm toán.

Điều kiện, thủ tục đăng ký hành nghề kiểm toán

Điều kiện, thủ tục đăng ký hành nghề kiểm toán (Ảnh minh họa)

1. Điều kiện đăng ký hành nghề kiểm toán

Điều kiện đăng ký hành nghề kiểm toán:

(1) Là kiểm toán viên

Tiêu chuẩn để trở thành kiểm toán viên bao gồm:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

- Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan;

- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán hoặc chuyên ngành khác theo quy định của Bộ Tài chính;

- Có Chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của Bộ Tài chính.

Trường hợp người có chứng chỉ của nước ngoài được Bộ Tài chính công nhận, đạt kỳ thi sát hạch bằng tiếng Việt về pháp luật Việt Nam và có đủ 02 tiêu chuẩn sau thì được công nhận là kiểm toán viên:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

- Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan.

(2) Có thời gian thực tế làm kiểm toán từ đủ ba mươi sáu (36) tháng trở lên

Thời gian thực tế làm kiểm toán được xác định như sau:

- Thời gian thực tế làm kiểm toán được tính là thời gian đã làm kiểm toán tại doanh nghiệp kiểm toán theo hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian;

- Thời gian thực tế làm kiểm toán được tính cộng dồn trong khoảng thời gian kể từ khi được cấp bằng tốt nghiệp đại học đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán theo nguyên tắc tròn tháng;

- Thời gian thực tế làm kiểm toán phải có xác nhận của người đại diện theo pháp luật hoặc người được uỷ quyền của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kiểm toán nơi kiểm toán viên đã thực tế làm việc.

Trường hợp doanh nghiệp kiểm toán nơi kiểm toán viên làm việc đã giải thể, phá sản, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hình thức sở hữu thì phải có xác nhận của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kiểm toán phù hợp với thời gian mà kiểm toán viên đã làm việc tại doanh nghiệp kiểm toán đó.

Trường hợp người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kiểm toán thời điểm đó đã không còn hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán độc lập thì phải có Bản giải trình kèm theo các tài liệu chứng minh về thời gian thực tế làm kiểm toán như bản sao sổ bảo hiểm xã hội, bản sao hợp đồng lao động.

(3) Đủ giờ cập nhật kiến thức theo quy định của Bộ Tài chính.

(4) Có hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại doanh nghiệp kiểm toán.

Kiểm toán viên được coi là có hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại doanh nghiệp kiểm toán khi:

- Hợp đồng lao động ký kết giữa kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán phải bảo đảm các yếu tố theo quy định của Bộ Luật lao động;

- Thời gian làm việc quy định trong hợp đồng và thời gian thực tế làm việc hàng ngày, hàng tuần của kiểm toán viên bảo đảm đúng và phù hợp với thời gian làm việc hàng ngày, hàng tuần của doanh nghiệp kiểm toán nơi kiểm toán viên đăng ký hành nghề;

Ví dụ: thời gian làm việc của doanh nghiệp kiểm toán từ 08h00 - 17h00 và 06 ngày/tuần thì kiểm toán viên phải làm việc đầy đủ thời gian từ 08h00 - 17h00 hàng ngày và 06 ngày/tuần không bao gồm thời gian làm thêm, ngày nghỉ, ngày lễ.

- Không đồng thời làm đại diện theo pháp luật, giám đốc (tổng giám đốc), chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, kế toán trưởng (hoặc phụ trách kế toán), nhân viên kế toán, kiểm toán nội bộ hoặc các chức danh khác tại đơn vị, tổ chức khác trong thời gian thực tế làm việc hàng ngày, hàng tuần tại doanh nghiệp kiểm toán theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 3 Thông tư 202/2012/TT-BTC.

(Điều 3 Thông tư 202/2012/TT-BTC)

2. Những người không được đăng ký hành nghề kiểm toán

- Cán bộ, công chức, viên chức.

- Người đang bị cấm hành nghề kiểm toán theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

Người đã bị kết án một trong các tội về kinh tế, chức vụ liên quan đến tài chính, kế toán mà chưa được xóa án;

Người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở chữa bệnh, đưa vào cơ sở giáo dục.

- Người có tiền án về tội kinh tế từ nghiêm trọng trở lên.

- Người có hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán, kiểm toán và quản lý kinh tế bị xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn một năm, kể từ ngày có quyết định xử phạt.

(Điều 16 Luật Kiểm toán độc lập 2011)

3. Thủ tục đăng ký hành nghề kiểm toán

3.1. Hồ sơ đăng ký hành nghề kiểm toán

- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán theo mẫu.

Đơn đề nghị

- Bản sao hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại doanh nghiệp kiểm toán.

- Giấy xác nhận về thời gian thực tế làm kiểm toán theo mẫu quy định hoặc tài liệu chứng minh về thời gian thực tế làm kiểm toán hoặc Bản giải trình kèm theo tài liệu chứng minh về thời gian thực tế làm kiểm toán (trừ các trường hợp quy định tại Điều 16 Thông tư 202/2012/TT-BTC).

Giấy xác nhận

- Bản thông tin cá nhân theo mẫu quy định.

Bảng thông tin cá nhân

- Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp trong thời hạn không quá sáu (06) tháng tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký hành nghề kiểm toán.

- Bản sao Chứng chỉ kiểm toán viên.

- Hai ảnh màu cỡ 3x4cm được chụp trên nền trắng trong thời hạn không quá sáu (06) tháng tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký hành nghề kiểm toán.

- Bản sao Quyết định thôi việc hoặc Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động tại nơi làm việc trước doanh nghiệp kiểm toán.

- Bản sao Giấy phép lao động tại Việt Nam của kiểm toán viên là người nước ngoài trừ trường hợp pháp luật lao động Việt Nam quy định không cần phải có giấy phép lao động.

- Tài liệu chứng minh giờ cập nhật kiến thức của kiểm toán viên tại các tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán, kiểm toán đối với trường hợp có tính giờ cập nhật kiến thức.

(Điều 4 Thông tư 202/2012/TT-BTC)

3.2. Trình tự đăng ký hành nghề kiểm toán

Bước 1: Kiểm toán viên phải lập 01 bộ hồ sơ theo mục (3.1) gửi đến Bộ Tài chính thông qua doanh nghiệp kiểm toán.

Các văn bằng, chứng chỉ nếu bằng tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch bằng tiếng Việt đã được công chứng hoặc chứng thực bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Kiểm toán viên phải chịu trách nhiệm về các thông tin đã kê khai trong hồ sơ đăng ký hành nghề kiểm toán.

Doanh nghiệp kiểm toán và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xác nhận thông tin trong hồ sơ đăng ký hành nghề của kiểm toán viên phải chịu trách nhiệm liên đới về tính trung thực của thông tin đã xác nhận.

Bước 2: Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kiểm toán có trách nhiệm xem xét, rà soát hồ sơ bảo đảm các kiểm toán viên đủ điều kiện đăng ký hành nghề tại tổ chức mình và ký xác nhận trên Đơn đăng ký hành nghề của từng kiểm toán viên.

Bước 3: Doanh nghiệp kiểm toán đề nghị Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán cho các kiểm toán viên đăng ký hành nghề tại đơn vị mình theo mẫu quy định kèm theo hồ sơ đăng ký hành nghề của từng kiểm toán viên.

Hồ sơ gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Bộ Tài chính.

Danh sách kiểm toán viên

Bước 4: Trường hợp cần làm rõ các thông tin trong hồ sơ đăng ký hành nghề, Bộ Tài chính có quyền yêu cầu kiểm toán viên hoặc doanh nghiệp kiểm toán giải trình hoặc cung cấp tài liệu (sổ bảo hiểm xã hội, tài liệu khác) phục vụ cho việc kiểm tra, đối chiếu, xác minh quá trình làm việc và các thông tin khác trong hồ sơ đăng ký hành nghề kiểm toán.

Trường hợp kiểm toán viên không bổ sung tài liệu giải trình hoặc tài liệu giải trình không chứng minh đầy đủ các thông tin trong hồ sơ đăng ký hành nghề là xác thực, Bộ Tài chính có quyền từ chối đăng ký hành nghề kiểm toán. Trường hợp từ chối, Bộ Tài chính trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bước 5: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ và đảm bảo đủ điều kiện, Bộ Tài chính xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán theo quy định.

Ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán không sớm hơn ngày bắt đầu có hiệu lực của hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại doanh nghiệp kiểm toán.

(Điều 5 Thông tư 202/2012/TT-BTC)

Diễm My

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 18,278

Bài viết về

lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn