Đầu thầu qua mạng: Trách nhiệm của các bên tham gia

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Như Mai
30/03/2022 10:35 AM

Đấu thầu qua mạng là hình thức đấu thầu được thực hiện thông qua việc sử dụng hệ thống mạng đấu thầu quốc gì. Trách nhiệm các bên khi tham gia đấu thầu qua mạng là gì?

Đầu thầu qua mạng: Trách nhiệm của các bên tham gia

Đầu thầu qua mạng: Trách nhiệm của các bên tham gia (Ảnh minh họa)

1. Trách nhiệm của bên mời thầu

Căn cứ Điều 79 Luật Đấu thầu 2013, trách nhiệm của bên mời thầu tham gia hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được quy định như sau:

Ngoài các trách nhiệm quy định về trách nhiệm cơ bản của bên mời thầu tại Điều 75 Luật Đấu thầu 2013, bên mời thầu tham gia hệ thống mạng đấu thầu quốc gia còn có trách nhiệm:

- Trang bị cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu đấu thầu qua mạng;

- Quản lý và không tiết lộ khóa bí mật của chứng thư số được cấp. Trường hợp bên mời thầu bị mất chứng thư số hoặc phát hiện chứng thư số bị sử dụng trái phép thì phải thông báo ngay cho tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số để hủy bỏ và cấp mới chứng thư số; gia hạn thời hạn hiệu lực của chứng thư số bảo đảm chứng thư số còn hiệu lực trong suốt quá trình tổ chức đấu thầu;

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và trung thực của các thông tin đã đăng ký, đăng tải lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia khi đăng nhập bằng chứng thư số của mình;

- Kiểm tra và xác nhận việc đăng tải các thông tin của mình đã nhập vào hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;

- Tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu 2013 và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Trách nhiệm của nhà thầu, nhà đầu tư

Trách nhiệm của nhà thầu, nhà đầu tư tham gia hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được quy định tại Điều 80 Luật Đấu thầu 2013.

Cụ thể, ngoài các trách nhiệm cơ bản của một nhà thầu, nhà đầu tư quy định tại Điều 77 Luật Đấu thầu 2013, nhà thầu, nhà đầu tư tham gia hệ thống mạng đấu thầu quốc gia còn có trách nhiệm:

- Trang bị cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin khi tham gia đấu thầu qua mạng;

- Quản lý và không tiết lộ khóa bí mật của chứng thư số được cấp. Trường hợp người sử dụng thuộc nhà thầu, nhà đầu tư bị mất hoặc phát hiện có một bên thứ ba đang sử dụng chứng thư số của đơn vị mình thì phải tiến hành ngay việc thay đổi khóa bí mật chứng thư số, hủy bỏ chứng thư số theo hướng dẫn của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số; gia hạn thời hạn hiệu lực của chứng thư số bảo đảm chứng thư số còn hiệu lực trong suốt quá trình tham gia đấu thầu;

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và trung thực của các thông tin đã đăng ký, đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia khi đăng nhập bằng chứng thư số của mình;

- Chịu trách nhiệm về kết quả khi tham gia đấu thầu qua mạng trong trường hợp gặp sự cố do hệ thống mạng ở phía nhà thầu, nhà đầu tư làm cho tài liệu không mở và đọc được;

- Tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu 2013 và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Trách nhiệm của tổ chức vận hành hệ thống mạng đấu thầu quốc gia

Trách nhiệm của tổ chức vận hành hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được quy định tại Điều 85 Luật Đấu thầu 2013, bao gồm:

- Quản lý và vận hành hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; 

- Bảo mật thông tin trong quá trình đấu thầu qua mạng theo quy định; 

- Cung cấp các dịch vụ hướng dẫn chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện đấu thầu qua mạng và đăng ký, đăng tải thông tin trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; 

- Lưu trữ thông tin phục vụ công tác tra cứu, theo dõi, giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; 

- Thông báo công khai điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin của người sử dụng khi tham gia đấu thầu qua mạng.

4. Các khoản chi phí trong đấu thầu qua mạng 

Chi phí trong đấu thầu qua mạng (khoản 3 Điều 13 Luật Đấu thầu 2013) bao gồm:

- Chi phí tham gia hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, chi phí đăng tải thông tin về đấu thầu và các chi phí khác;

- Chi phí tham dự thầu, tổ chức đấu thầu theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 13 Luật Đấu thầu 2013.

5. Yêu cầu đối với hệ thống mạng đấu thầu quốc gia

Căn cứ Điều 61 Luật Đấu thầu 2013, khi tổ chức đấu thầu qua mạng, hệ thống mạng đấu thầu quốc gia phải đáp ứng các yêu cầu sau: 

- Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia phải công khai, không hạn chế truy cập, tiếp cận thông tin. 

- Người sử dụng nhận biết được thời gian thực khi truy cập vào hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. 

- Thời gian trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia là thời gian thực và là thời gian chuẩn trong đấu thầu qua mạng. 

- Hệ thống phải hoạt động liên tục, thống nhất, ổn định, an toàn thông tin, có khả năng xác thực người dùng, bảo mật và toàn vẹn dữ liệu. Hệ thống cũng phải có chức năng ghi lại thông tin và truy xuất được lịch sử các giao dịch trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. 

- Ngoài ra, hệ thống phải bảo đảm nhà thầu, nhà đầu tư không thể gửi hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất đến bên mời thầu sau thời điểm đóng thầu.

Như Mai

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,080

Bài viết về

lĩnh vực Đấu thầu

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn